Dòng sự kiện:
Khả thi tiến độ xử lý nợ xấu
17/05/2018 07:00:00
Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn còn “ngổn ngang” nhiều khó khăn nên các cơ quan liên quan như ngân hàng thương mại và khách hàng phải quyết liệt và đồng bộ hơn thì công tác này mới đạt mục tiêu.

Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Quốc hội đã được thi hành, được coi là “chìa khóa” tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo, thậm chí Nghị quyết này còn giúp thay đổi về tư duy nợ xấu, không còn mặc định “nợ xấu ngân hàng” nên ngân hàng phải từ chịu trách nhiệm, tự xử lý.

Cùng với nhiều biện pháp xử lý nợ xấu khác, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực ghi nhận, năm 2012, nợ xấu toàn ngành lên tới 17,2% tổng dư nợ, nhưng đến nay đã giảm xuống còn 7,4%, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ còn khoảng 6%, nên mục tiêu nợ xấu đẩy xuống dưới 3,5% tổng dư nợ vào năm 2020 là khả thi. Nhờ kết quả này, hệ thống ngân hàng không những phát triển lành mạnh hơn mà còn đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Báo cáo tình hình lợi nhuận quý I/2018 do Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thực hiện cho biết, lợi nhuận sau thuế của 12 ngân hàng niêm yết đã tăng 51,6%, cao hơn so với mức tăng 36% của năm 2017, trong đó có những ngân hàng đạt mức tăng gấp 2-3 lần cùng kỳ.

Tuy nhiên, kết quả này có thể khả quan hơn nếu các cơ quan liên quan nâng cao trách nhiệm, hỗ trợ mạnh mẽ cho hệ thống xử lý nợ xấu; đồng bộ, thống nhất trong giải quyết những khúc mắc khiến Nghị quyết 42 chưa phát huy hết tác dụng, như việc xử lý tài sản đảm bảo tại tòa án hay cần hướng dẫn cụ thể hơn về thuế chuyển nhượng tài sản…

Đặc biệt, trong câu chuyện xử lý nợ xấu cần phải chú ý tới phòng ngừa nợ xấu, bởi rõ ràng, “phòng” tốt hơn “chữa”, nên tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đang có tốc độ nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng một cách thận trọng khi nợ xấu luôn “rình rập” quay lại với nhiều nguyên nhân. Với một ngành đang hướng tới những quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc tế, việc xử lý nợ xấu phải đạt được những bước tiến quan trọng, “gậy” xử lý đã có trong tay thì nên tìm cách gạt bỏ những rào cản, vướng mắc để thu được kết quả tốt đẹp hơn, đáp ứng đúng yêu cầu đề ra.

Theo báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến