Dòng sự kiện:
265 tỷ USD kim ngạch thương mại của Việt Nam đến từ châu Á
19/11/2018 07:09:35
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường ở châu Á đạt xấp xỉ 265 tỷ USD, chiếm tới gần 67% tổng kim ngạch thương mại cả nước.

Cơ cấu kim ngạch XNK của Việt Nam với 5 châu lục tính hết tháng 10/2018, đơn vị tính "tỷ USD".

80,2% hàng nhập khẩu từ châu Á

Đến hết tháng 10/2018, kim ngạch thương mại cả nước đạt 396,85 tỷ USD, tăng 13,8% (tương ứng tăng 48,12 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 202,03 tỷ USD, tăng 15,2% và nhập khẩu đạt 194,82 tỷ USD, tăng 12,4%.

Trong 5 châu lục, châu Á là địa bàn có quan hệ buôn bán sôi động nhất của Việt Nam.

Trong đó, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường trong châu lục đạt 108,69 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường ở châu Á đạt 156,2 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 80,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực châu Á là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 33,48 tỷ USD, tăng 26,8%, chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này lên đến 53,39 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 27,4% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Với thị trường Hàn Quốc, các kết quả trên lần lượt là 15,23 tỷ USD, 25,4% và 7,5% (ở lĩnh vực xuất khẩu); ở chiều nhập khẩu là 39,22 tỷ USD, 2% và 20,1%.

Với thị trường Nhật Bản, kết quả xuất khẩu 10 tháng đạt 15,48 tỷ USD, tăng 11,9%, chiếm 7,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước; kim ngạch nhập khẩu 15,69 tỷ USD, tăng 15,8%, chiếm 8,1% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Có thể thấy, trong đối tác thương mại lớn kể trên Việt Nam chịu thâm hụt lớn với Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi giao thương với Nhật Bản tương đối cân bằng.

Ngoài ra, khu vực ASEAN cũng là một thị trường XNK quan trọng của nước ta ở khu vực châu Á.

10 tháng qua, kim ngạch XNK với các đối tác trong ASEAN đạt 46,61 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 20,48 tỷ USD và nhập khẩu 26,13 tỷ USD.

Nhìn chung, hầu hết thị trường chủ lực ở châu Á, Việt Nam đều đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, trừ thị trường Nhật Bản như số liệu đề cập ở trên.

Tăng cả 5 châu

Theo Tổng cục Hải quan, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các châu lục đều tăng so với cùng kỳ năm 2017, trong đó tăng mạnh nhất là châu Đại dương (tăng 18,9%) tiếp theo là châu Mỹ (tăng 14,8%).

Châu lục có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lớn thứ hai với Việt Nam là châu Mỹ với kim ngạch 65,12 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các vị trí tiếp theo là, châu Âu đạt 53,08 tỷ USD, tăng 11%; châu Đại Dương đạt 7,68 tỷ USD, tăng 18,9%; châu Phi đạt 6,08 tỷ USD, tăng 3,1%.

Trong 4 châu lục nêu trên, Việt Nam đạt được thặng dư thương mại với châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.

Cụ thể, với châu Mỹ con số thăng dư đạt 31,36 tỷ USD; châu Âu đạt con số thặng dư là 24,04 tỷ USD; châu Đại Dương đạt 440 triệu USD.

Trong khi đó, Việt Nam nhập siêu từ châu Phi 1,14 tỷ USD.

Theo quan sát của phóng viên, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại; dệt may; máy tính tập trung vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc hay các thành viên thuộc liên minh châu Âu (EU)…

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến