Dòng sự kiện:
34 doanh nghiệp phải nộp 900 triệu đồng vì vi phạm bản quyền
12/08/2017 05:34:26
Theo Thanh tra Bộ VHTT&DL, riêng 5 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 34 doanh nghiệp, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 900 triệu đồng.

Xử phạt 34 doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2017

Bộ VHTT&DL vừa tổ chức hội nghị thực thi pháp luật, lấy ý kiến dự thảo “Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan khu vực phía Bắc tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên nhấn mạnh, việc thực thi pháp luật là lĩnh vực rất quan trọng mà các địa phương, đơn vị doanh nghiệp, các nhà tổ chức đều phải nhận thức rõ trong công cuộc hội nhập đổi mới của đất nước. Tiến trình hội nhập buộc phải xây dựng, điều chỉnh hệ thống pháp luật theo hướng tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ đúng hướng hội nhập, tôn trọng pháp luật bảo hộ bản quyền tác giả của quốc tế.

Tuy nhiên, hoạt động này phải đảm bảo hài hoà, vừa bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan cho những người sáng tác nghệ thuật. Đồng thời cũng phải đảm bảo quyền lợi của công chúng được tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật.


Toàn cảnh hội nghị diễn ra sáng 10/8 tại Hà Nội. Ảnh: GL.

Liên quan đến câu chuyện thoả thuận về mức phí tác quyền, Thứ trưởng Vương Duy Biên nói: “Tôi thấy nhiều địa phương phản ánh, vì đây là quan hệ dân sự nên nhà nước không can thiệp. Nhà nước chỉ hướng dẫn về phương pháp thực thi luật trong lĩnh vực này vì nó vẫn còn mới với xã hội mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên quen dần với việc, những quan hệ dân sự mà không giải quyết được với nhau có thể nhờ tới toà án. Tôi nghĩ, cũng cần có một vài phiên toà xét xử về việc này để làm tiền giải quyết việc mà chúng ta còn loay hoay vì đây là lĩnh vực mới. Tôi đi xuống cơ sở, thấy nhiều người hoạt động trong lĩnh vục này nhận thức vẫn còn mơ hồ lắm”.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng khẳng định, việc thu khoán tiền tác quyền là không chính xác.

“Quán karaoke, quán cà phê, bệnh viện, bãi giữ xe, tivi khách sạn... mà dự định thu khoán là không đúng. Tôi vào ngồi uống cà phê, tôi đâu có nhu cầu nghe nhạc vì tôi muốn có không gian riêng để trao đổi công việc. Tôi vào khách sạn cũng đâu phải để xem tivi mà để nghỉ dưỡng hoặc lưu trú. Vậy mà cũng chia ra thu tiền tôi là không đúng. Việc thu khoán vậy việc chi có khoán không. Việc thu, chi đòi hỏi phải rất minh bạch. Nếu thu hộ cho các tác giả thì một năm tổng thu vào bao nhiêu cũng phải công bố chi ra bao nhiêu để giải toả được những băn khoăn của dư luận. Việc minh bạch này không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà cả trong các lĩnh vực khác”, Thứ trưởng Biên nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện Thanh tra Bộ VHTT&DL đã báo cáo hoạt động thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thời gian qua. Theo đó, riêng 5 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 34 doanh nghiệp, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 900 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong năm 2017, Bộ VHTT&DL tiếp tục nâng cao công tác quản lý và hoạt động thực thi để bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.

Có uỷ quyền, trình được uỷ quyền mới được thu phí bản quyền

Nhiều đại biểu đại diện cho các Sở VHTT&DL các tỉnh phía Bắc đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Đại diện quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, trong Nghị định cần phải có cơ chế riêng cho những nơi có hoạt động về nghệ thuật như ở không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Cơ chế riêng sẽ giúp cho đơn vị quản lý dễ quản lý hơn. Vị này lấy ví dụ, vụ cháu bé 15 tuổi biểu diễn vĩ cầm ở hồ Hoàn Kiếm vừa qua, nếu chiếu theo Điều 13 của Nghị định này thì sẽ vi phạm. Nhưng vấn đề là có rất nhiều người chơi đàn ở hồ Hoàn Kiếm nên để xử lý họ là rất bất cập bởi họ nói họ thích chơi đàn.

Ông Nguyễn Đức Tuấn - Sở VHTT&DL Hải Dương cho rằng, hiện nay, trong các chương trình biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ca sĩ, nhạc công... đều được trả tiền nhưng tác giả bài hát thì lại không được trả tiền. Khi cơ quan nhà nước muốn thanh toán thì không có căn cứ.

Ở mỗi tỉnh có đến hàng trăm điểm với hàng nghìn phòng karaoke nhưng việc thu tiền bản quyền rất khó bởi các đơn vị sử dụng đều nói rằng, họ không chấp nhận mức biểu phí của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

“Về lương, nhà nước còn có khung lương cơ bản. Từ khung đó tạo ra các cấp khác nhau để áp dụng với các đô thị loại 1, loại 2, loại 3. Chúng tôi cũng cần có mức giá sàn thấp nhất để từng địa phương áp dụng vào chứ không thể tính chi tiết cho từng cơ sở được. Luật Sở hữu trí tuệ ra rất lâu rồi nhưng mỗi tỉnh một khác. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan nhà nước cần có quy định khung giá bản quyền cơ bản để các địa phương áp dụng”, ông Tuấn đề nghị.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phân tích rằng, trong một số vụ việc lùm xùm thời gian qua, việc thu phí bản quyền âm nhạc của VCPMC có phần mang tính áp đặt. Theo ông Hùng, về nguyên lý tổ chức, bên sử dụng tác phẩm phải có ý thức trách nhiệm trả tiền và trả như thế nào thì sẽ cùng thương thuyết. Việc biểu diễn phục vụ chính trị cũng phải trả tiền bản quyền cho tác giả nếu biểu diễn nơi công cộng.

Theo Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng, phải xác định được rõ những tác phẩm, tác giả nào đã uỷ quyền và trình uỷ quyền thì mới được thu phí bản quyền, kể cả trong trường hợp thu trên đầu tivi trong khách sạn. Để làm được điều này, cần sự hỗ trợ của công nghệ thông tin chứ không thể duy trì cách làm như hiện nay. Thậm chí việc thu bản quyền ở các quán karaoke cũng phải áp dụng công nghệ thông tin để đo đếm số lần sử dụng bài hát. Hát bao nhiêu thu tiền bấy nhiêu, nếu không hát thì không thu tiền.

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến