Dòng sự kiện:
4 câu hỏi cư dân Phú Đô trông ngóng chính quyền trả lời trước ngày ‘mất đất’
08/12/2018 17:09:51
Hàng loạt câu hỏi của cư dân tại hồ ông Bí gửi tới chính quyền phường Phú Đô vẫn chưa nhận được lời giải thích thỏa đáng. Trong khi thời điểm các hộ dân “không còn chốn dung thân” chỉ còn đếm từng ngày.

Liên quan tới vụ việc tập thể hàng chục cư dân sống tại hồ ông Bí phản đối quyết định được cho là trái luật của UBND phường Phú Đô, trong một động thái mới đây, chính quyền sở tại tiếp tục có công văn thông báo cho các hộ dân về việc cưỡng chế biện pháp khắc phục hậu quả những công trình được cho là vi phạm vào ngày 10/12.

Chính quyền phường Phú Đô cho rằng, 28 hộ dân sinh sống xung quanh hồ ông Bí có hành vi lấn chiếm đất công thuộc dự án Nhóm Nhà ở Tây Nam Mễ Trì đã được quy hoạch từ trước. Tới nay, UBND phường phải tiến hành thu hồi đất để trả lại mặt bằng cho chủ đầu tư.

Liên quan tới vấn đề này, các cư dân sinh sống tại hồ ông Bí vô cùng hoang mang và cho biết, dự án Nhóm Nhà ở Tây Nam Mễ Trì còn nhiều vấn đề khúc mắc, người dân chưa hiểu nên chưa có sự đồng thuận với chính quyền thế nhưng UBND phường Phú Đô lại nóng vội cưỡng chế là hết sức thiếu thận trọng.

Bà Trần Thị Chúc (83 tuổi) người sống tại khu vực hồ ông Bí từ những năm 80 của thế kỷ trước ngồi trong ngôi nhà chỉ về mảnh vườn sắp bị chính quyền cưỡng chế tháo dỡ.

Các hộ dân chỉ ra 4 câu hỏi lớn vẫn chưa được chính quyền phường Phú Đô giải đáp thỏa đáng, đó là:

Thứ nhất: Các hộ gia đình tại khu vực Hồ Ông Bí đều có nguồn gốc sử dụng đất trước năm 1993, đất sử dụng ổn định lâu dài không tranh chấp, các hộ đã thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước điều này thể hiện việc sử dụng đất trên thực tế nhưng UBND phường Phú Đô lại không ghi nhận, không lấy ý kiến người dân công khai, dẫn đến có những kết luận sai lệch về nguồn gốc đất.

Qua buổi tiếp dân chiều ngày 5/12/2018 Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đã có chỉ đạo yêu cầu làm rõ hồ sơ về nguồn gốc đất, thời điểm xây dựng công trình của các hộ, giải thích về dự án cho bà con hiểu, đồng thời buộc phải có chính sách an sinh xã hội trước khi tổ chức cưỡng chế nhưng UBND phường Phú Đô đã phớt lờ chỉ đạo cấp trên; ngay trong tối ngày 05/12/2018 đưa thông báo cưỡng chế tới người dân.

Tiếp tục, sáng ngày 06/12/2018, UBND phường Phú Đô ra quyết định giải quyết khiếu nại mang tính hình thức nhằm hợp thức hóa quy trình để cưỡng chế là việc không thể chấp nhận được.

Cụ bà lo lắng rằng sẽ chẳng còn chốn dung thân nếu bị thu hồi đất.

Thứ hai: Năm 2008, dự án Nhóm Nhà ở Tây Nam Mễ Trì được phê duyệt bằng quyết định 731/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội. Dự án này được phê duyệt vào khu vực hồ ông Bí với diện tích 5.377m2 trong đó có 13 hộ với diện tích 4.466m2, căn cứ công văn số 64/UBND-ĐC của UBND xã Mễ Trì yêu cầu thu hồi 4.466m2 của 13 hộ dân tại đây và 90m2 đất do UBND xã Mễ Trì quản lý, diện tích hồ còn thừa là 821 m2. Diện tích này không nằm trong khu vực bị thu hồi để làm Dự án Nhóm Nhà ở Tây Nam mà do người dân đang sử dụng.

Diện tích này không nằm trong dự án như vậy người dân không lấn chiếm đất dự án, nếu được giao cho dự án thì giao thời gian nào, giao qua hình thức nào? Đất những người dân nếu dùng để giao cho dự án thì những người sử dụng đất tại đây phải được bồi thường theo quy định tại Điều 42 Luật Đất đai 2003, Điều 75 Luật Đất đai 2013 nhưng các hộ lại không được bồi thường hỗ trợ.

Quyết định 731/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội giao đất cho Công ty cổ phần đầu tư xây lắp thương mại I theo Giấy chứng nhận đầu tư 01121000118 ngày 11/12/2007 UBND Thành phố Hà Nội cấp, tại Điều 2, Điều 3 có nội dung giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần đâu tư xây lắp Thương mại I. Tại Điều 4 có nội dung cấp Giấy CNQSDĐ cho Công ty này, điều đó thể hiện rất rõ việc thu hồi đất của dân để giao cho một đơn vị tư nhân, bản chất việc này Chủ đầu tư bỏ vốn xây dựng kiếm lời chứ không phải phục vụ mục đích công cộng, như vậy trên nguyên tắc chủ đầu tư phải tự thỏa thuận chứ chính quyền ko được can thiệp thu hồi, nhưng bằng cách nào đó dự án đã được thu hồi đền bù kéo dài từ 2011 đến nay là điều khó hiểu, cần làm rõ.

Thứ ba: Dự án Nhóm Nhà ở Tây Nam Mễ Trì là dự án hiện đang có nhiều vấn đề tồn tại, đã treo hơn 10 năm trời nhưng không thực hiện đã rơi vào trường hợp buộc thu hồi dự án, các vấn đề trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn chưa được rõ ràng, nay chính quyền Phú Đô lại cố cưỡng chế để giao đất e rằng không chỉ ảnh hưởng tới chính quyền Phú Đô mà còn ảnh hưởng tới các cơ quan liên quan nếu Phú Đô giải quyết không ổn thỏa.

Trong khi những thắc mắc của dân về dự án còn chưa được giải quyết rõ ràng, triệt để, dân chưa phục chưa tin mà UBND phường Phú Đô vội vàng quyết liệt cưỡng chế là vô cảm, là bỏ mặc là dồn công dân của mình đến đường cùng. Quá trình quản lý đất đai trên địa bàn Phú Đô bộc lộ nhiều yếu kém, thể hiện sự tắc trách,bất bình đẳng khi có rất nhiều nhà xây dựng trái phép kiên cố trên đất nông nghiệp chính quyền đã làm ngơ cho tồn tại nhưng lại cưỡng chế những người dân nghèo không có nơi sinh sống.

Việc để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất trong vòng hơn 30 năm mà chính quyền không xử lý kịp thời thì trước hết trách nhiệm phải thuộc về chính quyền, mà cụ thể là người đứng đầu và cán bộ địa chính, việc thiếu trách nhiệm trong quản lý dẫn đến phải phá dỡ nhiều công trình giá trị lớn là gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải xem xét xử lý cán bộ sai phạm trước khi cưỡng chế nếu cần, không thể đẩy hết trách nhiệm về người dân.

Thứ tư: Chính sách an sinh xã hội, phương án sau cưỡng chế chưa có đã vội ra quyết định cưỡng chế đẩy người dân ra đường có khác nào đang bức tử người dân, chính quyền không cho người dân thời gian để hiểu rõ và tuân theo pháp luật, chưa có thời gian ổn định về mặt tư tưởng, sắp xếp nơi ăn chốn ở mới.

Hiện nay, khi thời điểm các hộ dân chuẩn bị phải "ra đường" vì mất đất đang chỉ còn đếm từng ngày, nhiều người dân cho biết họ sẵn sàng khăn gói lên UBND phường Phú Đô để sống qua ngày vì đã "không còn chốn dung thân".

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến