Gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ em gây rúng động như: vụ trẻ bị cô giáo tát, đánh vào đầu, mặt bằng nhiều vật dụng nguy hiểm hay vụ bà giúp việc tung, rung lắc trẻ sơ sinh tại Hà Nam... 

Theo các chuyên gia, những hình thức bạo hành như rung lắc mạnh trẻ, đánh vào đầu, tát vào má trẻ, thậm chí tung trẻ lên không trung… có thể dẫn đến tổn thương giác mạc, kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, xuất huyết võng mạc, giảm thị lực…

Mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo hành

Bạo hành và bỏ mặc trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng và rất phổ biến ở mọi quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, bạo hành trẻ em diễn ra khá phổ biến.

Theo thống kê của Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp.

Trong khi đó theo nghiên cứu của Bộ Công an đối với 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ. Trong đó, số em bị bố đánh chiếm 23% - gấp 5 lần tỷ lệ bị mẹ đánh.

Tất cả các hình thức bạo hành trẻ em như về tinh thần hay thể chất đều gây ra những hiệu ứng tiêu cực lên tinh thần của trẻ. Trong một số trường hợp, sức khoẻ thể chất và trí nhớ của trẻ cũng bị ảnh hưởng.

Bàn về vấn đề này, tiến sỹ Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, tình trạng bạo hành và bỏ mặc trẻ em là vấn đề nghiêm trọng và rất phổ biến ở mọi quốc gia.

Tại Việt Nam, bạo hành trẻ em diễn ra khá phổ biến đến mức báo động, khiến mọi tổ chức xã hội đang nỗ lực vào cuộc để giải quyết vấn nạn.

Theo ông Tiến, ở Việt Nam nhiều người vẫn còn quan niệm "thương cho roi cho vọt," tình trạng bố mẹ đánh, tát con vẫn còn phổ biến. Điều đáng nói là rất khó để làm rõ được hành động này là bạo hành trẻ em hay dạy dỗ trẻ em.