Dòng sự kiện:
AGF đang 'tụt dốc không phanh'?
07/03/2018 18:04:32
"Ngôi sao sáng" một thời của ngành thủy sản từng được chào mua với giá 155.000 đồng/cổ phiếu (tháng 3/2007) nay chỉ còn ở mức giá... 2 ly trà đá (khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu).

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã ra quyết định đưa cổ phiếu CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish - mã AGF) vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 7/3/2018. 

Tiếp tục lỗ trong quý 1 niên độ 2017-2018, bức tranh tài chính-kinh doanh của doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu cá tra - AGF đang cho thấy nhiều vấn đề. Bối cảnh kinh doanh còn không ít khó khăn cùng tình trạng chậm thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin càng khiến niềm tin của nhà đầu tư vào AGF thêm bấp bênh.

Trước đó, mã này cũng đã bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định do kinh doanh thua lỗ. Theo quy chế, cổ phiếu AGF sẽ chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo khớp lệnh và thỏa thuận. 

"Ngôi sao" một thời

An Giang Agifish được thành lập năm 2001. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, năm 2002 cổ phiếu AGF đã được niêm yết tại HoSE và là đơn vị đầu tiên trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá basa, cá tra fillet sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như: Hoa Kỳ, Úc, Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu.

Năm 2010, AGF trở thành công ty con của CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG). Từ đây, nhiều nhà đầu tư hy vọng AGF sẽ trở về thời hoàng kim của mình.

Bằng chứng là các năm 2011, 2012 doanh thu của AGF tăng gần gấp đôi so với những năm trước, ở mức 2.762 tỷ đồng (năm 2011) và 2.811 tỷ đồng ( năm2012) so với con số 1.780 tỷ đồng (năm 2010).

Đặc biệt, năm 2011, AGF được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) chứng nhận là doanh nghiệp nằm trong top 3 về xuất khẩu cá tra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành xuất khẩu cá tra sau đó gặp nhiều khó khăn, Công ty mẹ HVG lâm vào thua lỗ, tình hình kinh doanh của AGF cũng xấu đi. Bắt đầu từ năm 2013, vị thế trong xuất khẩu thủy sản của AGF giảm mạnh về vị trí thứ 7 với giá trị xuất khẩu đạt 112,7 triệu USD. Năm 2014, AGF tiếp tục tụt hạng từ vị trí số 7 xuống đến số 14. Không chỉ vậy, giá trị xuất khẩu năm 2014 của AGF cũng giảm gần 25% so với năm 2013.

Cũng trong năm này, Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (mã chứng khoán PAN) đã bán hết 5,2 triệu cổ phiếu AGF (tương đương 20,53% vốn điều lệ). Trong khi đó, Hùng Vương đã tiếp tục mua thêm và nâng sở hữu hơn 20,3 triệu cổ phiếu AGF (tương đương 79,58% vốn điều lệ).

Từ năm 2015 đến nay, liên tục AGF báo kết quả kinh doanh giảm sút và lỗ nặng. Trong đó, năm 2017 kết quả kinh doanh sau kiểm toán, Agifish lỗ ròng 187 tỷ đồng, chênh lệch đến 191 tỷ đồng so với con số lãi 4 tỷ đồng mà DN này tự lập.

Hiện nay, mặc dù vẫn là một trong những doanh nghiệp có năng lực sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra đầu ngành, song triển vọng kinh doanh của AGF, trước mắt là trong năm 2018, đang bị đặt nhiều dấu hỏi.


Tương lai chênh vênh

Sau 2 lần bị Sở GDCK TP.HCM (HOSE) nhắc nhở, ngày 29/2/2018, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish - mã AGF) đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) quý I niên độ 2017-2018 (từ 1/10/2017-30/9/2017). Trái với kỳ vọng sẽ có sự cải thiện sau khi đã lỗ 187 tỷ đồng trong niên độ tài chính trước đó, kết quả kinh doanh quý I của AGF vẫn gây thất vọng cho nhà đầu tư khi tiếp tục báo lỗ gần 100 tỷ đồng.

Kết quả này cùng với việc bị HoSE đưa vào diện kiểm soát đặc biệt khiến cổ phiếu AGF liên tục giảm sàn. Trong phiên giao dịch hôm nay 2.3, cổ phiếu AGF giảm kịch sàn về mức 7.150 đồng/cổ phiếu (-6,9%).

Cùng với đó, doanh thu tại các mảng tiêu thụ nội địa như bán cá, phụ phẩm, thức ăn chăn nuôi, cá nguyên liệu… đều giảm, khiến tổng doanh thu nội địa chỉ còn 157,2 tỷ đồng, giảm 52,8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận tại các mảng này cũng không đáng kể khi giá vốn hầu hết đều bằng doanh thu.

Cụ thể, tính đến 31/12/2017, khoản phải thu là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của AGF với tỷ trọng 51,5%, song chất lượng các khoản này đang bị đặt dấu hỏi khi tại thời điểm cuối quý I, AGF đã phải trích lập dự phòng 159,6 tỷ đồng, tương đương 16,5% giá trị. Trong niên độ 2016-2017, việc phải trích lập các khoản phải thu thêm 82,6 tỷ đồng cũng là nguyên nhân khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 4,8 lần, đẩy lỗ sau thuế lên đến 187 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2017, lỗ lũy kế của AGF đạt 188,8 tỷ đồng, chiếm 67,2% vốn điều lệ. Dù Công ty vẫn còn một khoản dự trữ thặng dư vốn cổ phần 411,3 tỷ đồng có thể sử dụng bổ sung vốn điều lệ, nhưng việc kinh doanh thua lỗ, bên cạnh sự mất cân đối về tài sản và nguồn vốn, nhà đầu tư không khỏi lo ngại cho AGF.

Bên cạnh gánh nặng thua lỗ do đầu tư ngoài ngành cách nay hơn chục năm khiến AGF chịu ảnh hưởng trong thời gian dài, việc chi phí tài chính, gánh nặng nợ vay khiến Thủy sản An Giang “khốn đốn” vì lãi vay trong nhiều năm qua.

Hiện, nợ phải trả của AGF là 1.139 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm đến 98%. Nợ ngắn hạn của AGF hiện đã tiệm cận tài sản ngắn hạn (1.114 tỷ đồng/1.271 tỷ đồng).

Riêng nợ vay của AGF hiện tại là 761 tỷ đồng, chiếm 67% tổng nợ phải trả và gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Chưa kể, AGF hiện đang có khoản lỗ lũy kế 188,7 tỷ đồng.

Rõ ràng, việc thanh toán các khoản nợ vay nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào việc hoạt động kinh doanh thuận lợi hay không. Nếu thị trường không thuận lợi, áp lực từ các khoản nợ vay, lãi vay ngân hàng đối với AGF sẽ ngày càng lớn.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến