Dòng sự kiện:
‘Bà tiên’ gieo chữ cho trò nghèo tật nguyền vùng biển
23/02/2018 08:00:05
Tóc đã điểm bạc, gương mặt đã in hằn nhiều dấu vết của tuổi tác, thế nhưng suốt 18 năm qua cô giáo về hưu Nguyễn Thị Thông vẫn tận tụy, miệt mài truyền dạy con chữ cho bao thế hệ học trò nghèo.

“Bà tiên” của học trò nghèo

“Bà tiên” ấy không có phép thuật thần thông quảng đại như trong những câu chuyện cổ tích, thế nhưng với tấm lòng nhân hậu bao la, với những cống hiến tận tụy không mỏi mệt vì mong muốn xóa mù chữ cho người nghèo, “bà giáo” về hưu Nguyễn Thị Thông đã viết nên một câu chuyện cổ tích riêng giữa đời thực ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).

Cô Thông chỉ dạy từng chút cho học trò

Cô Nguyễn Thị Thông (SN 1946), tại vùng biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, công tác trong ngành giáo dục từ năm 1966 đến năm 2001 thì nghỉ hưu theo chế độ.

Vì tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, lại thấy ở địa phương nhiều em bị tật nguyền, gia đình có hoàn cảnh khó khăn không được đến trường, cô Thông nảy ra suy nghĩ mở một lớp học dạy chữ miễn phí cho những người có số phận không may đó.

Không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ, cô Thông nhanh chóng xin ý kiến chính quyền địa phương để mở một lớp học tình thương.

Được sự đồng ý của chính quyền, ngày 10/2/2002, lớp học của cô được mở tại nhà. Cô đến từng gia đình để vận động đưa học sinh đến lớp. Nhiều em vui mừng vì được đi học, thế nhưng cũng không ít người ái ngại.

Lứa học trò đầu tiên của lớp học tình thương này có 16 em học sinh, trong đó có tới 8 em là trẻ mồ côi. Cô Thông nhớ lại, bàn ghế cho học sinh ngồi lúc ấy cũng chỉ là cánh cửa nhà, cửa bếp cũ rách được kê trên những viên gạch vỡ. Chiếc bảng viết thì được làm từ tấm cót đã rách mép.

Để lớp học được duy trì và học trò có đủ điều kiện cơ bản để học tập, cô đi đến các trường học xin bàn ghế, xin sách vở, đồ dùng học tập. Hiểu được những khó khăn của cô trò đặc biệt này, xã đã tạo điều kiện cho cô mượn một căn phòng để dạy học.

Hồi mới mở lớp, cô dạy tập đọc, viết và văn hóa cho những người cao tuổi từ tại trung tâm học tập cộng đồng vào buổi tối và dạy kiến thức cho các em từ bắt đầu học lớp 1 đến hết lớp 5 vào ban ngày.

Những học sinh của cô đa phần là người khuyết tật, việc tiếp thu kiến thức không phải dễ dàng như những học sinh bình thường khác, việc truyền đạt lại càng khó hơn gấp bội. Không chỉ giảng dạy bằng chuyên môn, cô Thông còn dùng cả tình yêu thương của mình để gần gũi và dạy dỗ học trò. Với các trò nghèo, cô không những là người giáo viên, mà còn là người mẹ, người bà đầy tận tâm, nhiệt huyết.

Cô Thông kể, có những học sinh bị tật nguyền, khi vào buổi học thì cô và các bạn trong lớp phải bế, phải cõng vào lớp học. Cũng có những em không thể đọc hay cầm bút viết, cô phải cầm tay luyện từng li, từng tí.

Những con chữ của tình thương

Cứ như thế suốt 18 năm qua, cô vẫn thầm lặng, miệt mài cùng học trò đến lớp không một lời ca thán, càng không đòi hỏi thu một đồng phí nào.

Với người giáo già, giúp những mảnh đời khốn khó có cơ hội tiếp cận với tri thức là niềm vui và cũng là sự trả công lớn nhất cho cô. Đến nay, cô đã giảng dạy cho hơn 110 em học sinh ở lứa tuổi từ 10 – 19. Trong số đó, hiện nay cũng có 1 học sinh đang theo học cao đẳng.

Lớp học đặc biệt xuất phát từ tình yêu thương của cô Thông

Nói về lớp học đặc biệt của mình, cô Thông tâm sự: “Tôi rất tự hào về những thế hệ học sinh tôi giảng dạy cho dù các em bị khuyết tật hay thiểu năng, bệnh tâm thần nhưng các em đều biết đọc, biết viết và đến lớp rất chăm chỉ”.

Cứ như thế suốt 18 năm qua, cô vẫn thầm lặng, miệt mài cùng học trò đến lớp không một lời ca thán, càng không đòi hỏi thu một đồng phí nào. Dù cuộc sống không khá giả, chỉ với đồng lương hưu ít ỏi, thế nhưng cô luôn sẵn sàng dùng số tiền đó để san sẻ với học trò. Khi thì mua đồ dùng học tập, khi thì mua quần áo, đồ ăn, thuốc men… cho các em thiếu thốn.

Cuộc sống riêng của cô cũng chứa đựng những góc khuất ít ai biết tới, vì chỉ chăm lo cho sự nghiệp, cô không lập gia đình, nuôi một người chị gái mù đã cao tuổi. Dù không có con đẻ, nhưng cô lại có vô số con nuôi là các học trò mình từng giảng dạy, những người này thường xuyên lui tới thăm hỏi và thương cô như ruột thịt.

Từ năm 2010, chính quyền địa phương đã xây dựng một trung tâm học tập cộng đồng và dành riêng cho cô một phòng để làm lớp học.

“Mặc dù tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi dạy lớp học này, ban đầu thì do thiếu thốn cơ sở vật chất. Nhưng hiện tại, các nhà trường, các đoàn thể và chính quyền cũng ủng hộ rất nhiều nên tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc. Giờ tôi chỉ lo làm sao để truyền đạt được kiến thức đến với các em”, cô Thông nói.

Đã bước sang tuổi 72, mái tóc điểm bạc và khuôn mặt đã in hằn những dấu vết của thời gian, thế nhưng, trong cô vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết và tận tụy với những cô cậu học trò có số phận không may mắn giữa cuộc đời.

Cô cho biết, cô mong muốn bản thân luôn khỏe mạnh để làm tốt công việc, ngày ngày đến lớp với học trò và sẽ dạy đến khi nào không đủ sức nữa mới thôi.

Trong suốt sự nghiệp trồng người của mình, cô Thông đã nhận vô số các giấy khen, bằng khen, được công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1997. Từ khi về hưu và mở lớp học tình thương, cô liên tục nhận được bằng khen của các cấp ngành giáo dục, trong đó, có thư khen Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2014 và bằng khen của UBND tỉnh Thanh Hóa vì những cống hiến của cô cho ngành giáo dục.

Lương Diễn
 

 


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến