Dòng sự kiện:
Băn khoăn quy định về bảo lãnh
14/04/2018 15:02:38
Việc một bên đứng ra bảo lãnh cho một bên khác vay vốn hay thực hiện một công việc khác khá phổ biến trong thực tế song không phải bên bảo lãnh nào cũng ý thức được trách nhiệm trả nợ thay khi bên được bảo lãnh.

Trách nhiệm này có thể nặng nề hơn khi Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành vẫn còn thiếu vắng nhiều cơ chế giúp bảo vệ hiệu quả bên bảo lãnh và còn có không ít quy định gây băn khoăn trong thực tế.

Hình thức bảo lãnh

BLDS hiện hành không còn quy định về hình thức văn bản bảo lãnh như trước nữa. Điều đó có nghĩa là văn bản bảo lãnh có thể là cam kết đơn phương của bên bảo lãnh dưới dạng thư bảo lãnh, giấy bảo lãnh, công văn bảo lãnh, quyết định bảo lãnh... hoặc hợp đồng bảo lãnh (là thỏa thuận giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh và có thể có sự tham gia của cả bên được bảo lãnh), với điều kiện văn bản này thể hiện được cam kết thanh toán thay của bên bảo lãnh.

Điều đáng nói là trong thực tế vẫn có nhiều ngân hàng từ chối hoặc không dám nhận cam kết bảo lãnh đơn phương vì sợ bảo lãnh không có giá trị pháp lý. Điều này trong nhiều trường hợp làm “bế tắc” giao dịch huy động vốn và đi ngược lại tinh thần của quy định trong BLDS.

Chấm dứt bảo lãnh

Bảo lãnh chấm dứt khi bên bảo lãnh không còn phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh nữa.

Theo điều 343, BLDS, bảo lãnh có thể chấm dứt khi (i) nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt, (ii) việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác, (iii) bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, hoặc (iv) theo thỏa thuận của các bên

Dễ thấy là trong danh sách trên không có trường hợp chấm dứt bảo lãnh khi hết thời hạn hiệu lực của bảo lãnh. Tất nhiên, nếu áp dụng (iv), các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận về việc bảo lãnh chấm dứt vào một thời điểm xác định, song việc thiếu vắng một trường hợp chấm dứt hiển nhiên như vậy là một “lỗi kỹ thuật” khá đáng tiếc.

Một vấn đề đặt ra trong trường hợp này là liệu bên bảo lãnh có phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với các khoản tiền đã được giải ngân trước ngày hết hạn bảo lãnh nhưng chưa đến thời điểm phải hoàn trả vào ngày này hay không? Không có câu trả lời rõ ràng nào trong các quy định của BLDS. Văn bản bảo lãnh có thể quy định rằng nó sẽ tiếp tục áp dụng đối với việc hoàn trả các khoản tiền đã được giải ngân hoặc được cam kết giải ngân trước ngày hết hạn bảo lãnh nhưng lại đến hạn sau ngày hết hạn bảo lãnh.

Nghĩa vụ được bảo lãnh có thể chấm dứt vì nhiều lý do khác nhau như khi bên được bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ này, khi bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh cho bên được bảo lãnh, hoặc trong trường hợp hủy bỏ hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh.

Liên quan đến trường hợp chấm dứt bảo lãnh theo thỏa thuận, để bảo vệ chính mình (đặc biệt là để tránh trường hợp tăng “gánh nặng” bảo lãnh), bên bảo lãnh nên cố gắng đàm phán để có quy định trong văn bản bảo lãnh rằng bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp bên nhận bảo lãnh gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh hoặc bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh bổ sung, sửa đổi các điều khoản khác của hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ được bảo lãnh khi chưa có sự chấp thuận của bên bảo lãnh. Đây là điểm mà pháp luật hiện nay còn chưa quy định rõ.

Tương tự, các bên có thể thỏa thuận về việc nếu bên nhận bảo lãnh vi phạm bất cứ nghĩa vụ nào của mình theo văn bản bảo lãnh (chẳng hạn như nghĩa vụ thông báo cho bên bảo lãnh về tình trạng thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh bởi bên được bảo lãnh) thì sẽ dẫn tới việc chấm dứt bảo lãnh. Tuy nhiên dễ thấy là trong bối cảnh tài trợ vốn cho doanh nghiệp, rất hiếm trường hợp bên cho vay (là bên nhận bảo lãnh) lại cam kết thực hiện nghĩa vụ đối với bên bảo lãnh. Nói cách khác, văn bản bảo lãnh thường thể hiện cam kết một chiều từ phía bên bảo lãnh mà thôi.

Quyền được hoàn trả của bên bảo lãnh

Điều 340, BLDS quy định “bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Điều luật này gọi đây là quyền yêu cầu của bên bảo lãnh và tuy rất ngắn nhưng ngầm định rằng:

• Về nguyên tắc, bên bảo lãnh chỉ được yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả số tiền đã trả thay sau khi đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình. Nói cách khác, trong trường hợp bảo lãnh vay vốn, bên bảo lãnh phải thanh toán cho bên cho vay số tiền bảo lãnh trước khi có thể yêu cầu bên được bảo lãnh thanh toán cho mình.

• Bên bảo lãnh có thể yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả ngay cả trong trường hợp bên bảo lãnh chỉ thanh toán một phần số tiền bảo lãnh. Điều đó có nghĩa là bên bảo lãnh có thể thực thi quyền yêu cầu của mình ngay cả khi chưa thanh toán hết số tiền bảo lãnh được nêu trong văn bản bảo lãnh.

• Bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh từ bỏ quyền yêu cầu của mình.

• Bên bảo lãnh chỉ được hoàn trả số tiền mà bên bảo lãnh đã thanh toán cho bên nhận bảo lãnh, không bao gồm các chi phí (đặc biệt là chi phí pháp lý) mà bên bảo lãnh phải chịu như là hệ quả của việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh theo văn bản bảo lãnh.

Cần lưu ý là điều 340, BLDS không nêu rõ liệu bên bảo lãnh có hay không quyền yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả trong trường hợp bên bảo lãnh đưa ra cam kết bảo lãnh mà không phải do bên được bảo lãnh yêu cầu. Trường hợp này không phải hiếm gặp trong thực tế, chẳng hạn khi công ty mẹ bảo lãnh cho công ty con vay vốn tại ngân hàng mà không muốn cho công ty con biết về việc bảo lãnh do sợ công ty con sẽ “ỷ lại” vào công ty mẹ trong việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả khoản vay cho ngân hàng.

Về điểm này, có thể tham khảo kinh nghiệm của pháp luật nước Anh. Theo đó, chỉ trong trường hợp bên bảo lãnh đưa ra cam kết thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu rõ ràng hoặc hàm ý của bên được bảo lãnh thì bên bảo lãnh mới có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả.

Trong khi quy định pháp luật còn khá “mập mờ” thì trước khi đưa ra cam kết bảo lãnh, bên bảo lãnh cần thỏa thuận rõ ràng với bên được bảo lãnh về nghĩa vụ hoàn trả số tiền trả thay, có thể là bằng một thỏa thuận riêng hoặc trong hợp đồng bảo lãnh ba bên nêu ở trên.

Một vấn đề khác đặt ra là quyền yêu cầu của bên bảo lãnh phát sinh vào thời điểm nào? Các quy định về bảo lãnh của BLDS còn chưa đề cập vấn đề này. Nếu áp dụng nguyên tắc chung về thời hạn thực hiện nghĩa vụ nêu tại khoản 1, điều 278 của bộ luật này, có thể thấy bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thể thỏa thuận về thời hạn bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cho bên bảo lãnh. Tuy vậy, bên bảo lãnh sẽ thực thi quyền yêu cầu của mình như thế nào nếu không có thỏa thuận hoặc các bên không đạt được thỏa thuận về thời hạn thực hiện nghĩa vụ hoàn trả này? Liệu có thể áp dụng tinh thần của khoản 3, điều 278, BLDS về thời hạn thực hiện nghĩa vụ nói chung. Theo đó, “trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ [...] thì mỗi bên có thể [...] yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý”. Tức là, liệu bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện việc hoàn trả bằng cách thông báo cho bên được bảo lãnh trước một thời gian hợp lý?

Có lẽ cách hiểu này chưa thực sự hợp lý vì: (i) chưa giúp bảo vệ một cách hiệu quả bên bảo lãnh, (ii) sẽ rất khó xác định được một khoảng thời gian thông báo nào được cho là hợp lý, nhất là khi bên được bảo lãnh đã vi phạm nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh dẫn tới việc gọi bảo lãnh, và (iii) không phù hợp với thông lệ quốc tế về bảo lãnh theo đó quyền yêu cầu hoàn trả của bên bảo lãnh phát sinh từ thời điểm bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Cần lưu ý là về nguyên tắc, bên được bảo lãnh phải chịu lãi suất chậm trả trong trường hợp chậm thanh toán cho bên bảo lãnh số tiền trả thay (điều 357, BLDS).

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến