Dòng sự kiện:
Bảo hiểm tiền gửi gây sức ép lên những ngân hàng nhỏ
31/10/2017 12:19:42
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, ngoài số tiền bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng, khách hàng có thể sẽ được trả thêm từ dòng tiền thanh lý tài sản của ngân hàng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 21 năm 2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2017. Quyết định này quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi.

Theo đó, đối tượng áp dụng bao gồm những người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Dù có gửi 100 triệu đồng hay 100 tỷ đồng tại một ngân hàng thì khi ngân hàng này phá sản, Bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ chi trả cho người gửi tiền 75 triệu đồng. (Ảnh minh hoạ)

Theo quyết định, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.

Nghĩa là dù có gửi 100 triệu đồng hay 100 tỷ đồng tại một ngân hàng thì khi ngân hàng này phá sản, Bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ chi trả cho người gửi tiền 75 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên An ninh tiền tệ, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: “Trên nguyên tắc, một người gửi tiền vào ngân hàng thì bất kể ngân hàng đó đang hoạt động hay bị phá sản, người gửi tiền có quyền lấy lại 100% số tiền họ gửi. Nghĩa vụ trả lại tiền cho khách hàng là nghĩa vụ tuyệt đối, không có điều kiện, không thay đổi dù cho ngân hàng có phá sản”.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, khi ngân hàng đi vào quy trình phá sản và những tài sản của ngân hàng sẽ bị thanh lý. Theo luật phá sản, dòng tiền từ thanh lý sẽ trả cho một số đối tượng theo thứ tự ưu tiên là thuế cho Chính phủ, cán bộ nhân viên ngân hàng, người gửi tiền và cổ đông. Tức là ngoài 75 triệu đồng được bồi thường từ Công ty bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, người gửi có thể sẽ được trả thêm sau khi ngân hàng thanh lý tài sản.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng đánh giá: “Với quy định này, rủi ro đối với cá nhân người gửi tiền là rất lớn. Với những ngân hàng phá sản thì tài sản của họ còn lại không bao nhiêu trong khi đó nợ xấu lớn, tài sản không sinh lời nhiều. Thế nên hi vọng nhận được bồi thường thêm (ngoài 75 triệu đồng) là vẫn có nhưng khá mong manh.

Ngoài ra nó còn tiềm ẩn nguy cơ người gửi tiền cá nhân rút tiền ồ ạt tại nhiều tổ chức tín dụng. Do đó, có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền hệ thống các tổ chức khác ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống”.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ thêm, trong những trường hợp cần thiết, ngoài bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng, để giảm nhẹ thiệt hại cho người gửi tiền, Chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách cho vay đặc biệt ngân hàng đó hoặc sử dụng ngân sách để bồi thường cho khách hàng nhưng vẫn phải nằm trong quy trình thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.

Chính phủ cũng có thể cấp một tín dụng đặc biệt cho những ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt để tái cơ cấu. Nhưng đó phải là những ngân hàng đang hoạt động và có khả năng tiếp tục hoạt động, không thể áp dụng với những ngân hàng đang đứng trên bờ vực phá sản.

“Quy định này sẽ gây sức ép lên những ngân hàng cổ phần vì khách hàng sẽ tìm đến những ngân hàng lớn để “chọn mặt gửi vàng”. Đây cũng là động lực cho những ngân hàng nhỏ phải chấn chỉnh lại hoạt động, tìm cách hấp dẫn khách hàng.

Không chỉ quan tâm đến lãi suất khách hàng sẽ chọn những ngân hàng “khỏe mạnh” để gửi tiền. Các ngân hàng cạnh tranh nhau thì lãi suất cho vay ngay cả lãi suất huy động sẽ giảm xuống”, ông Hiếu nhận định.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết thêm, cách đây một tháng, Ngân hàng Nhà nước có lấy ý kiến về việc xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng từ 1 đến 5, thứ nhất là ngân hàng rất tốt, rồi đến ngân hàng tốt nhưng có vấn đề, ngân hàng trung bình có vấn đề cần thay đổi, ngân hàng có những vấn đề nghiêm trọng, cuối cùng là ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ. Dựa trên xếp hạng này bản thân ngân hàng sẽ biết mình đang nằm trong giai đoạn nào từ đó phải tự chấn chỉnh. Các ngân hàng phải biết sợ để làm động lực thúc đẩy ngân hàng tự tái tổ chức, tái cơ cấu.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến