Dòng sự kiện:
Bảo lãnh Chính phủ tác động thế nào đến nợ công?
05/08/2019 19:05:29
Theo báo cáo tổng hợp tình hình bảo lãnh chính phủ năm 2018 gửi Thủ tướng Chính phủ, tổng giá trị các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh lũy kế đến hết năm 2018 là 27,7 tỉ USD.

Tại báo cáo này, Bộ Tài chính cũng đưa ra những đánh giá về tác động của bảo lãnh Chính phủ tới nền kinh tế và nợ công.

 

Tính đến ngày 31/12/2018, ước tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 435.372 tỷ đồng (giảm khoảng 18.550 tỷ đồng so với năm 2017), chiếm khoảng 13,5% tổng dư nợ công và bằng 7,9% GDP.

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2018, bảo lãnh Chính phủ tiếp tục thực hiện theo đúng quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, theo đó chỉ cấp bảo lãnh cho các dự án quan trọng và thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, việc triển khai trả nợ trước hạn chủ động, kiểm soát chặt chẽ dư nợ bảo lãnh đã duy trì được xu hướng giảm dần, tiếp tục góp phần giảm dư nợ công khoảng 1,2% so với GDP.

Về tác động đối với nợ công, tính đến ngày 31/12/2018, ước tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 435.372 tỷ đồng (giảm khoảng 18.550 tỷ đồng so với năm 2017), chiếm khoảng 13,5% tổng dư nợ công và bằng 7,9% GDP (năm 2016 chiếm khoảng 16,1% tổng dư nợ công và 10,3% GDP, năm 2017 là 14,8% tổng dư nợ công và bằng 9,1% GDP).

Bộ Tài chính cho rằng, để đảm bảo thực hiện việc kiểm soát an toàn nợ công trong giai đoạn 2016-2020, bộ này đã báo cáo Chính phủ điều hành bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2018-2020 theo Luật Quản lý nợ công được ban hành tháng 11/2017, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, đảm bảo dư nợ bảo lãnh Chính phủ năm 2020 không vượt quá dư nợ của năm 2015.

Trên thực tế, đến năm 2018 Bộ Tài chính đã đạt được mục tiêu đề ra (7,9% GDP), theo đó dư nợ bảo lãnh Chính phủ đến năm 2020 là khoảng 10% GDP.

Trong năm 2018, các khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn trên 5 năm của hai ngân hàng chính sách đã được duy trì ở mức trên 70% tổng số phát hành, trong đó Ngân hàng Chính sách Xã Hội có kỳ hạn huy động chủ yếu là 5 và 15 năm, VDB có kỳ hạn huy động chủ yếu là 6 năm và 10 năm.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong năm 2018, việc phát hành các kỳ hạn dài khó hơn năm 2017, dẫn tới kỳ hạn bảo lãnh phát hành bình quân giảm so với năm 2017 (năm 2018 là gần 9 năm so với năm 2017 là 11 năm); lãi suất phát hành bình quân có xu hướng giảm (năm 2018 Ngân hàng Chính sách Xã hội là 5,42% và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 5,5%/năm, so với năm 2017 có lãi suất tương ứng lần lượt là 6,37%/năm và 6,2%/năm).

Việc điều chỉnh chính sách cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ theo Luật Quản lý nợ công năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) sẽ có tác động đến nợ công theo hướng giảm các dự án được cấp bảo lãnh chính phủ.

"Qua quá trình xây dựng hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm 2019, hiện không có dự án nào đủ tiêu chuẩn đăng ký đề xuất chủ trương bảo lãnh Chính phủ trong năm 2019. Do đó hạn mức bảo lãnh năm 2019 sẽ chỉ duy trì đối với số rút vốn của các dự án đã cấp bảo lãnh trong giai đoạn trước", báo cáo của Bộ Tài chính cho hay.

Theo Bộ Tài chính, công tác cấp bảo lãnh Chính phủ trong năm 2018 đã được quản lý chặt chẽ. Mặc dù Chính phủ đã cấp bảo lãnh cho 2 dự án trọng điểm vay vốn nước ngoài nhưng các doanh nghiệp này đã chủ động tái cơ cấu danh mục nợ được Chính phủ bảo lãnh, thực hiện trả nợ trước hạn đối với một số khoản nợ còn thời hạn hoặc lãi suất vay cao nên về cơ bản bản không làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng của bảo lãnh Chính phủ trong nợ công.

Ngoài ra, các ngân hàng chính sách tuân thủ hạn mức bảo lãnh được Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, dư nợ bảo lãnh đến cuối năm 2018 đã giảm khoảng 18.550 tỷ đồng so với năm 2017, góp phần giảm nợ công theo chủ trương của Đảng, Quốc hội.

Theo Vneconomy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến