Dòng sự kiện:
NCB: Những con số tăng trưởng 'màu đỏ' và rủi ro nợ xấu bị 'ẩn đi'
23/08/2020 05:51:32
Trong đa phần các ngân hàng vẫn duy trì được sự cân bằng và ghi nhận tăng trưởng tốt trong quý 2 thì một số ngân hàng bộc lộ điểm yếu, trong đó có NCB.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - Mã: NVB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, thuyết minh BCTC của ngân hàng này lại tiếp tục không được công bố. 

Theo đó, chi phí dự phòng tăng 57% và các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc gấp 4.3 lần cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần của NVB giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 244 tỷ đồng, nhưng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 63%, lên mức hơn 11 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kỳ này cả chi phí hoạt động (giảm 24%) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (giảm 29%) của NVB đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc Ngân hàng lại gấp 3.3 lần cùng kỳ lên mức 100 tỷ đồng, chiếm đến 80% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Do đó, làm cho lợi nhuận trước và sau thuế trong quý 2 của NVB chỉ còn hơn 8 tỷ đồng và hơn 6 tỷ đồng, tăng 14% và 11% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động rút tiền mạnh mẽ từ các ngân hàng khác cũng được thể hiện rõ nét tại ngân hàng này. Thời điểm cuối quý 2/2020, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác tại NCB đã giảm tới 93%, từ mức 11,5 nghìn tỷ đồng xuống còn 828 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 3 nghìn tỷ đồng.

Để bù đắp nguồn vốn, NCB cũng phải rút tiền, vàng gửi tại các ngân hàng khác về. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác đã giảm gần 11 nghìn tỷ đồng, từ 14,4 nghìn tỷ đồng xuống còn 3,4 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của NCB, theo đó, giảm 11%, so với đầu năm, xuống 71,3 nghìn tỷ đồng.

Do không công bố thuyết minh BCTC nên nhiều nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi, nợ xấu của Ngân hàng Quốc Dân chính xác là bao nhiêu? Phải chăng, Ngân hàng Quốc Dân đang cố tính mập mờ về nợ xấu của mình để thực hiện những mục đích khác?

Trước đó, nhà băng này đã từng bị kiểm toán AFC Việt Nam (AFC) đưa ra một loạt lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019. 

 AFC nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đến tình hình nợ xấu của NCB. Cụ thể, công ty kiểm toán cho biết các thuyết minh về chính sách kế toán đối với cho vay khách hàng, hoạt động mua bán nợ, về chính sách kế toán bán nợ cho VAMC theo Nghị quyết 42. Việc ghi nhận các khoản chênh lệch giữa bán nợ với giá gốc, thoái lãi dự thu của các khỏan nợ đã bán trước ngày 31/12/2016 sẽ được phân bổ dần vào kết quả kinh doanh với mức tối thiểu bằng với chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh năm.

Bên cạnh đó, việc ghi nhận các khoản đầu tư dài hạn, vốn chủ sở hữu, khoản lợi nhuận chưa phân phối, phân loại nợ vay, trích lập dự phòng cụ thể, dự phòng đầu tư của các khách hàng cũ, các khoản khác trước giai đoạn tái cấu trúc sẽ dược xử lý dần theo năng lực tài chính của Ngân hàng đến năm 2028. Các chính sách này nằm trong đề án tái cơ cấu lại ngân hàng đã được phê duyệt cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, Công ty kiểm toán AFC Việt Nam cũng lưu ý các khoản lãi dự thu của khoản nợ xấu đã bán cho các tổ chức mua bán nợ đã ghi nhận từ ngày 1/1/2017 đến nay không thỏa điều kiện quy định tại Nghị quyết 42 về thí điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đã được lập kế hoạch thoái trong “phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xáu giai đoạn 2019 – 2020” của ngân hàng. Tính đến cuối tháng 12/2019, khoản lãi dự thu của NCB đạt 3.151 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm trước đó.

NCB là một trong số những tổ chức tín dụng bị buộc phải tiến hành tái cơ cấu. Thay vì sáp nhập, năm 2014, ngân hàng chọn phương án tự tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hướng bán lẻ. Tuy nhiên, đến nay hoạt động tái cơ cấu tại NCB vẫn chưa hoàn thành khi các khoản nợ xấu vẫn cần xử lý đặc biệt theo đề án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Trong một diễn biến khác, tại Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam (MBKE) cho rằng đang có lo ngại rằng bức tranh nợ xấu có thể bị bóp méo bởi Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Đây là Thông tư được NHNN ban hành vào ngày 13/3 quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Nội dung của thông tư theo diễn giải của giới đầu tư, đang "cho phép các ngân hàng có thể che giấu những tài sản có vấn đề bị ảnh hưởng bởi Covid-19", khi các tài sản bị ảnh hưởng này được cơ cấu lại thời gian trả nợ hoặc được "khoanh nợ", giữ nguyên nhóm nợ.

Nợ xấu của các nhóm thay vì có nguy cơ "thăng cấp", "nhảy nhóm" thì theo thông tư mới, trước mắt có cơ sở pháp lý để được tạm giữ nguyên.

Báo cáo của MBKE đánh giá, khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có thể chuyển thành nợ xấu trong tương lai. Nhưng hiện tại, những khoản nợ này vẫn đang xếp loại tốt. Nếu những khoản vay này chuyển thành nợ xấu và các ngân hàng đang cố giấu diếm, thì khoản mục lãi phải thu sẽ khá lớn trên bảng cân đối 6 tháng 2020 của các ngân hàng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thấy điều này qua báo cáo của các ngân hàng gần đây, NCB cũng là một ví dụ điển hình.

Như Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến