Dòng sự kiện:
Bất động sản hấp dẫn vốn ngoại
17/03/2018 07:13:13
Trong năm 2017, với nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản (BĐS) đạt hơn 3 tỷ USD, đã giúp lĩnh vực BĐS tiếp tục giữ vững vị trí top đầu trong các lĩnh vực thu hút nguồn vốn FDI.

Theo dự báo, năm 2018 sẽ có những động lực thúc đẩy nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS, từ đó góp phần làm thị trường này thêm  sôi động.

Luôn trong top đầu hút FDI

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2017 với tổng giá trị lên đến 3,05 tỷ USD, BĐS đã trở thành lĩnh vực đứng thứ 3 trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả vốn trực tiếp (FDI) cũng như thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập. Số vốn này chiếm 8,5% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm qua.

Những tháng đầu năm 2018, nguồn vốn FDI rót vào thị trường BĐS đang tiếp tục chiếm ưu thế trong tổng nguồn vốn FDI. Một số dự án và thương vụ nổi bật như Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) ký kết hợp đồng thực hiện dự án khu phức hợp thông minh tại khu chức năng 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với giá trị hơn 885 triệu USD, Tập đoàn Tài chính Hàn Quốc Shinhan đã hợp tác với VinaCapital – công ty quản lý BĐS hàng đầu Việt Nam, để lập quỹ đầu tư 100 triệu USD đầu tư vào Novaland…

 Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tháng 1/2018, trong tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại là 1,255 tỷ USD, riêng số vốn đổ vào thị trường BĐS đã lên tới 77,6 tỷ USD. Nếu tính lũy kế đến hết tháng 1/2018 thì thị trường BĐS Việt Nam đã thu hút được 53,2 tỷ USD  vốn FDI (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư), là lĩnh vực xếp thứ 2 trong thu hút đầu tư nước ngoài, chỉ đứng sau lĩnh vực chế biến chế tạo vốn chiếm lĩnh vị trí hàng đầu từ nhiều năm qua. Nguồn vốn FDI đã đem lại nhiều lợi ích cho thị trường BĐS Việt Nam, trong đó việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp BĐS. Hệ thống tài chính ngân hàng sẽ có thể sử dụng nguồn vốn cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ, thay vì tập trung vào khu vực phát triển BĐS.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, trong năm 2017, FDI vào thị trường BĐS đứng thứ 3 trong toàn quốc và đứng thứ 2 tại TPHCM. Trong đó, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, vào TP. HCM cũng như vào thị trường BĐS. Cũng trong năm này, kiều hối vẫn tiếp tục tăng và luôn giữ được tỷ lệ khoảng 22% đầu tư vào thị trường BĐS.  Theo ông Lê Hoàng Châu, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường BĐS trong năm 2018.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu, hiện nay đầu tư của người nước ngoài vào BĐS tại Việt Nam chủ yếu là các DN, các công ty kinh doanh BĐS nước ngoài. Họ đầu tư vào những dự án nghỉ dưỡng lớn, các trung tâm thương mại, các tổ hợp chung cư lớn… Còn đối với cá nhân người nước ngoài thì việc đầu tư mua nhà tại Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn, vì thế số lượng cá nhân người nước ngoài đầu tư mua nhà tại Việt Nam còn ít. Lý do là Việt Nam hiện chưa có bảo hiểm quyền tư hữu BĐS, trong khi đó, với người nước ngoài, loại bảo hiểm này rất quan trọng.

Tiếp tục khởi sắc

Hiện nay thị trường BĐS Việt Nam đang rất hấp dẫn đối với  các DN FDI ở khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…, phần lớn vốn đầu tư đến từ khu vực này. Còn những nhà đầu tư đến từ khu vực châu Âu, châu Mỹ còn hạn chế. Theo nhận định, xu hướng này có thể vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2018.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư, Công ty Savills, năm 2017 là một năm khá thành công của các nhà đầu tư BĐS trong nước lẫn quốc tế tại thị trường Việt Nam. Trong ba năm trở lại đây thì có thể chứng kiến được sự tham gia khá mạnh mẽ của các nhà đầu từ đến từ Singapore, Hồng Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong khi ở thời điểm trước đó, mục tiêu chỉ xoay quanh việc thăm dò, tìm kiếm một cơ hội phát triển tại nước ta. “Nếu như trước đây, họ chỉ tham gia ở nhóm BĐS thương mại (trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, cao ốc văn phòng…) thì hiện tại, hoạt động đã diễn ra rất sôi nổi tại phân khúc nhà ở, thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước. Đối với họ, một thị trường BĐS hơn 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ là một cơ hội vô cùng hấp dẫn”, TS Sử Ngọc Khương nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, kênh đầu tư tập trung rất nhiều đơn vị Âu Mỹ hiện tại là tài chính chứng khoán, với việc niêm yết trên sàn giao dịch ở danh mục BĐS. Tính thanh khoản là điều các nhà đầu tư Âu Mỹ quan tâm và họ ít tham gia với cấp độ dự án hay công ty mà chọn lựa công ty niêm yết với tư cách nhà đầu tư tài chính. Và chính vì lẽ này, nếu chú ý kỹ hơn thì chúng ta có thể thấy rằng, số lượng các công ty Âu Mỹ tham gia chứng khoán BĐS không ít hơn những nhà đầu tư châu Á, thông qua các quỹ đầu tư, tổ chức định chế tài chính. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ cũng tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến BĐS. Những thương hiệu quản lý vận hành văn phòng, resort, khách sạn, căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại, tư vấn đầu tư, nghiên cứu thị trường, kết nối khu công nghiệp…

Trong năm 2018, theo dự báo của các chuyên gia, việc Hiệp định CPTPP được ký kết là động lực để Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn FDI, đặc biệt là nguồn vốn này sẽ được rót vào những lát cắt quan trọng của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng và BĐS. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, tiềm ẩn nhiều  rủi ro, Việt Nam có sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế tương đối cao, hệ thống tài chính tiền tệ tương đối ổn định, nhân khẩu trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng như sự phát triển mau chóng của thị trường tiêu dùng nội địa… đã và sẽ tiếp tục là động lực để Việt Nam tiếp tục là một “thỏi nam châm” thu hút FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực BĐS công nghiệp, sản xuất.

Theo Báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến