Dòng sự kiện:
Bệnh thành tích nhìn từ 'nóc' Bộ GD&ĐT
07/08/2018 20:35:41
Có những thành tích được khoe ra nhưng chỉ mấy ngày sau đó sự thật lại diễn biến ngược. Đứng trước những kết quả đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng các lãnh đạo Sở đều trở thành những người 'nói trước bước không qua'.

Còn nhớ ngày 6/6, trong phiên chất vấn của Quốc Hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói rằng: "Bệnh thành tích không phải bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ lâu rồi. Bộ đã cố gắng nói không với bệnh thành tích. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đây là vấn đề không chỉ dừng lại ở quy định mà còn có những yếu tố về văn hóa, thói quen... Chính đăng ký thi đua mới là gốc gác khiến thầy cô phải chạy theo thành tích, chúng tôi rất hiểu điều này. Hiện nay, bệnh thành tích vẫn đang có dấu hiệu mạnh trở lại nhưng tới đây chúng tôi sẽ làm kiên quyết". 

Như vậy, chính Bộ trưởng cũng khẳng định bệnh thành tích không chỉ đến từ quy định mà còn đến từ văn hoá? Người đứng đầu ngành thừa nhận rằng chính việc đăng kí thi đua làm nảy sinh ra "bệnh thành tích"? 

Vậy kì thi THPT quốc gia 2018 trở thành một minh chứng cho văn hoá thành tích hay là hậu quả nhãn tiền khi các lãnh đạo "nói trước bước không qua"?

Kì thi kết thúc vào ngày 27/6, đến chiều 2/7 (tức là 5 ngày sau), tại hội nghị thường niên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu: "Kì thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc tại tất cả điểm thi trên toàn quốc. Đến nay, kì thi đạt được mục tiêu đề ra, an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng, được nhân dân ở các địa phương đặc biệt ủng hộ. Kì thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá thành công tốt đẹp".

Tuy nhiên lời khẳng định chất lượng "thành công tốt đẹp" của Bộ trưởng chưa ráo mực thì 10 ngày sau hàng loạt sự cố "tràn dầu" gian lận diễn ra. Gian lận ở Hà Giang chưa kịp "nguội" thì Sơn La bê bối, án xử Sơn La chưa kịp công khai thì Hoà Bình xuất hiện. Liên tiếp "kẻ giấu mặt" khiến dư luận phẫn nộ yêu cầu người đứng đầu ngành lên tiếng giải thích. 

Nếu kì thi thành công, các Sở, Ban ngành được chú ý vì thành tích thi đua đáng khen ngợi, Bộ trưởng sẽ là vị lãnh đạo uy tín, ngành Giáo dục trở thành "mũi nhọn", "cánh chim đầu đàn" thì khi xảy ra sai phạm, đầu tàu lãnh đạo cần phải giải trình trước dư luận. 

Câu hỏi đặt ra rằng: Liệu các vị lãnh đạo có sẵn sàng cho sự giải trình ấy hay không? Hay bởi né tránh nên khi kết quả chưa công bố, từ Bộ trưởng cho đến các Giám đốc Sở đều lên tiếng nhận công quá sớm? 

Câu chuyện về Hoà Bình là một điển hình của việc chạy theo thành tích. Cá nhân tôi đánh giá cao tinh thần quả quyết của ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở giáo dục tỉnh Hoà Bình. Khi tỉnh Hoà Bình có điểm thi khối thi A1 cao đột biến, ông Đắc đã "mạnh miệng" tuyên bố rằng ông đã trực tiếp kiểm tra. Đồng thời vị lãnh đạo này sẵn sàng mời Bộ về thanh tra và mời Cục Khảo thí và Quản lý chất lượng về chấm lại toàn bộ bài thi. 

Nhưng chỉ 13 ngày sau, dư luận lại được phen thắc mắc về quá trình "trực tiếp kiểm tra" của ông khi hai cán bộ tại Sở tỉnh phải tra tay vào còng số 8.

Cá nhân tôi cho rằng ông không chỉ nói liều khi có thành tích mà còn quan liêu trong công tác quản lý!

Nhưng vị giám đốc Sở này cũng đã kịp thời đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi phụ huynh và học sinh vài ngày sau khi phát hiện sai phạm. 

Còn Bộ trưởng...

Ngày 17/7, Hà Giang dính án bê bối thi cử lớn nhất từ trước đến nay. Mặc cho dư luận thắc mắc, Bộ trưởng giữ thái độ im lặng.

Ngày 18/7, nghi vấn điểm cao bất thường trong bài thi của 35 chiến sĩ công an nghĩa vụ ở Lạng Sơn. Dư luận hoang mang. Đáp lại, Bộ trưởng vẫn "án binh bất động".

Ngày 19/7, Sơn La bị gọi tên với mức độ vi phạm nghiêm trọng. Một lần nữa công chúng muốn lật tung tất cả để đòi sự công bằng, yêu cầu người đứng đầu ngành lên tiếng nhưng rồi câu trả lời vẫn là... lặng im. 

Sáng 2/8, Hoà Bình khởi tố hình sự hai cán bộ của Sở giáo dục. 

Đến chiều 2/8, tại phiên họp Chính phủ, Thủ trướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng giải trình cụ thể loạt vấn đề sai phạm trong kì thi THPT quốc gia, nhất là hướng xử lý. 

Cuối cùng, sau hơn 1 tháng kể từ khi phát hiện sai phạm thi cử đầu tiên, Bộ trưởng đã lên tiếng xin nhận trách nhiệm: "Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm".         

Điểm lại các mốc thời gian ta có thể thấy, khi "kì thi thành công tốt đẹp" thì Bộ trưởng xuất hiện khá kịp thời (5 ngày sau khi kì thi kết thúc); còn "trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương" thì Bộ trưởng cần đến 1 tháng để phát biểu câu: "Tôi xin nhận trách nhiệm". 

Hy vọng đây không phải là dấu hiệu của bệnh thành tích - căn bệnh mà hơn 10 năm trước chính bộ Giáo dục & Đào tạo đã phát động đẩy lùi trong cuộc vận động "Hai không"...

Cuộc vận động "Hai không" được bộ Giáo dục & Đào tạo triển khai từ năm học 2006 - 2007 với nội dung "Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục".

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến