Dòng sự kiện:
Biến động nhân sự cao cấp ngân hàng: Người đi có buồn, kẻ đến có vui?
10/04/2019 07:20:36
Đối với ngành ngân hàng, nhân sự cao cấp thường xuyên biến động và đặc biệt “nóng” trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ)…

MBBank sẽ thực hiện bầu Thành viên HÐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2019-2024 với số thành viên HÐQT dự kiến là 11 người, trong đó có 1 thành viên độc lập.

Danh sách thành viên ứng cử vào HÐQT nhiệm kỳ mới 2019-2024 của Techcombank bao gồm 8 người, những ứng viên mới là ông Saurabh Narayan Agarwal và ông Nguyễn Nhân Nghĩa, trong khi không có ông Nguyễn Ðoan Hùng, Thành viên HÐQT độc lập hiện tại. Tại Eximbank, mặc dù ÐHCÐ còn chưa diễn ra, nhưng vị trí cao nhất đã thay đổi và điều này đang thu hút sự chú ý từ thị trường.

Lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại cổ phần trong TP. HCM cho biết, ngân hàng ông sẽ có những thay đổi trong HÐQT và Ban Kiểm soát trong mùa ÐHCÐ năm nay. Các thủ tục đã trình Ngân hàng Nhà nước và đợi phê duyệt. Tuy nhiên, việc thay đổi này cũng chưa phải là sự thay máu của HÐQT bởi những thành viên được thay chủ yếu do tuổi cao và người mới cũng là người trong nội bộ.

“Chưa có nguồn mới, nên ngân hàng chưa thể 'thay máu' nhân sự”, vị lãnh đạo này nói.

Thực tế, thị trường đã chứng kiến không ít ngân hàng thay lãnh đạo điều hành như “thay áo”. Ðơn cử, chỉ trong vòng 1 năm, Viet A Bank đã thay 3 đời tổng giám đốc, cụ thể: Ông Lê Xuân Vũ nắm quyền Tổng giám đốc VietABank từ tháng 9/2016 thay cho bà Phương Thanh Nhung (con gái của Chủ tịch Viet A Bank Phương Hữu Việt).

Ðến ngày 16/3/2017, ông Vũ bị miễn nhiệm và ông Nguyễn Văn Hảo đảm nhiệm chức vụ Quyền Tổng giám đốc vào cùng ngày. Ðến ngày 8/7/2017, ông Hảo nhận quyết định chính thức làm Tổng giám đốc Viet A Bank.

Hay tại ABBank, tháng 5/2018, Ngân hàng bổ nhiệm bà Dương Thị Mai Hoa làm Tổng giám đốc. Chỉ sau 5 tháng, HÐQT ABBank đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc của bà Hoa kể từ ngày 18/10/2018 và ông Phạm Duy Hiếu, nguyên Tổng giám đốc của ABBank giai đoạn 2012-2015 được bổ nhiệm giữ vị trí Quyền Tổng giám đốc và đang đợi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chính thức.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp ngân hàng chia sẻ, người đi luôn luôn trong tình trạng bị sa thải, trừ trường hợp nghỉ việc vì lý do sức khỏe hoặc theo đuổi kinh doanh riêng, còn nếu vẫn trong ngành ngân hàng thì việc ra đi phần lớn được xem như một thất bại. Buồn vì phải đi, nhưng cái được là khởi đầu của một cơ hội khác. Thực tế, có nhiều lãnh đạo ngân hàng khi qua một tổ chức khác lại sử dụng năng lực hiệu quả hơn.

“Việc một lãnh đạo không thành công tại một ngân hàng không phải vì họ không có khả năng, mà là do tổ chức đó, ngân hàng đó theo đuổi triết lý kinh doanh không phù hợp với người mới. Ra đi ắt sẽ buồn, nhưng lại là khởi đầu mới ở một tổ chức mới phù hợp hơn", vị lãnh đạo trên nói.

Một cán bộ ngân hàng cao cấp khác chia sẻ: “Về một ngân hàng mới, có sự hân hoan, nhưng sự vui vẻ này kéo dài bao lâu lại là một câu chuyện khác, bởi không ít nhân sự cao cấp đã nhanh chóng nhận ra họ đang dấn thân vào một tổ chức đầy mạo hiểm ”.

“Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, ngân hàng chưa phải là một lĩnh vực kinh doanh ổn định khi số lượng ngân hàng quá nhiều, khoảng 30-40 ngân hàng, dẫn đến vị trí lãnh đạo liên tục được thay thế. Nói cách khác, hệ thống ngân hàng Việt mới chỉ ổn định ở một vài khía cạnh, bởi theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ thay đổi nhân sự lên đến trên 10% như tại Việt Nam hiện nay là điều bất ổn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cố vấn cao cấp HÐQT NCB nói.

“Nóng” câu chuyện nhân sự trong mùa bầu cử là một phần, những đợt sóng nhân sự ra - vào khá rầm rộ ở ngân hàng có thể phần nào thấy được qua kế hoạch tuyển dụng nhận sự lên đến con số nghìn người.

“Tại doanh nghiệp nói chung, ngân hàng nói riêng, nội tại phải ổn định, từ người đứng đầu đến chiến lược kinh doanh, thì mới giữ chân được nhân sự, đặc biệt là nhân sự giỏi. Nhưng vì nền móng không vững chắc nên người ngồi cao 'dễ ngã' và điều này dẫn đến nhiều lãnh đạo ngân hàng 'chạy' sang các ngành khác như bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán và thậm chí quay về làm... nông nghiệp”, TS. Hiếu nêu quan điểm.

Báo cáo thường niên của VietnamWorks (Navigos) về nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung nhân lực trong năm 2019 cho thấy, trong Top 10 địa điểm có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao cấp, TP HCM và Hà Nội là 2 địa phương dẫn đầu. Top 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng mạnh nhất là pháp lý và tài chính/đầu tư, với tỷ lệ tương ứng 27% và 24%.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến