Dòng sự kiện:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu những nguyên nhân cần lập đặc khu kinh tế
25/11/2018 15:52:46
Bộ KH&ĐT cho rằng, việc thành lập các khu vực đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt góp phần khắc phục được hạn chế hiện nay là các khu vực có tiềm năng, lợi thế lớn nhưng thiếu cơ chế, chính sách đặc biệt để bứt phá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã được nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh.

Cử tri thành phố Đà Nẵng cho rằng, mục đích thành lập các đặc khu kinh tế cần phải xác định là lấy kinh tế làm trọng điểm. Do đó, đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ tính hiệu quả khi đầu tư vào các đặc khu kinh tế, cụ thể là: Hằng năm thu - chi đối với các đặc khu như thế nào? Việc này phải được tính ngay từ năm thứ nhất đến năm thứ năm, thứ mười…

Trong khi đó, cử tri Bình Thuận cho rằng, qua phổ biến tuyên truyền Dự án Luật Đặc khu, nhiều ý kiến, kiến nghị và băn khoăn cho rằng không nên lập các đặc khu vì không cần thiết và sợ ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, phụ thuộc vào Trung Quốc, qua đó đề nghị Chính phủ cần thận trọng, chặt chẽ, cân nhắc kỹ lưỡng các nội dung để đảm bảo an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.

Trả lời về nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại Việt Nam là để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tri thức, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo.

Đồng thời, nhằm mục tiêu xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải cách đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân; áp dụng phương pháp quản lý hiện đại, khoa học; quản lý xã hội và tư pháp chặt chẽ đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc thành lập các khu vực đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt góp phần khắc phục được hạn chế hiện nay là các khu vực có tiềm năng, lợi thế lớn nhưng thiếu cơ chế, chính sách đặc biệt để bứt phá phát triển.

Ngoài ra, phát triển các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt có tác động tích cực trên nhiều mặt như tăng trưởng kinh tế cao hơn, tăng thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư nước ngoài với công nghệ cao, nhất là từ các nước phát triển châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Theo cơ quan này, các số liệu, đánh giá về hiệu quả kinh tế- xã hội, nhu cầu vốn ngân sách nhà nước để đầu tư cho từng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được xây dựng trong từng Đề án thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, phù hợp với đặc điểm tình hình, mục tiêu phát triển, trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết thành lập. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chỉ là "vốn mồi" để thu hút các nguồn vốn khác đầu tư cho đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao và chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng các Đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trong các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Sau khi Luật được ban hành, các Đề án này sẽ được phê duyệt và thực hiện để đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành Luật nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Các quy định tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã được nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh. Trong đó, một số nội dung của Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý chặt chẽ hơn như quy hoạch đơn vị phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh và có phương án phân bố không gian cho hoạt động quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, thu hẹp đối tượng cá nhân người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt so với Luật Nhà ở.

Đồng thời, quy định chặt chẽ về quản lý lao động nước ngoài, nhất là lao động phổ thông, trong đó giao Chủ tịch UBND đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt quy định về tiêu chí cụ thể đối với lao động kỹ thuật là người nước ngoài, nhưng không thấp hơn tiêu chí theo quy định của pháp luật hiện hành và tỷ lệ hoặc số lượng tối đa lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp thuộc đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo ngành, nghề.

Quy định về việc tổ chức và hoạt động của cơ quan quân sự, đơn vị biên phòng, cảnh sát biển, các đơn vị quân đội, cơ quan công an trên địa bàn đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến