Dòng sự kiện:
Bỏ nửa tỉ mua đất không phép, ‘canh bạc’ rủi nhiều hơn may
21/07/2017 09:37:19
Đất không giấy tờ hợp pháp, người dân vẫn mua đi bán lại với giá lên đến nửa tỉ đồng. Bên cạnh đó, hàng trăm hộ dân khác cũng đang sống trên những mảnh đất không phép, tất cả những lỗi này là do… lịch sử để lại.

Bỏ tiền thật mua đất “ảo”

Theo phản ánh của gia đình ông Nguyễn Hùng Mạnh (thôn Trường Sơn 2, xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá), tháng 4/2017, ông đã mua lại mảnh đất của ông Bùi Xuân Bích (thôn Thượng Nam, xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia) có diện tích 225m2 với giá 600 triệu đồng, vị trí nằm ngay sát mặt quốc lộ 1A đoạn qua thôn Khoa Trường, xã Tùng Lâm.

Đây là thửa đất mà ông Bích đã mua của UBND xã vào năm 1994 theo diện đất ở lâu dài. Được biết, ở thời điểm kể trên, UBND xã Tùng Lâm có chủ trương quy hoạch khu dân cư mới ven quốc lộ 1A nên đã tiến hành phân lô bán nền đất ở cho các hộ dân trong vùng có nhu cầu.

 Ông Nguyễn Hùng Mạnh đã bỏ ra số tiền 600 triệu đồng để mua về lô đất không hợp pháp

Tiền đã trao tay nhưng ông Mạnh lại không có một mảnh giấy tờ hợp lệ, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại càng không thể thực hiện do không được sự thông qua của chính quyền. Dù năm lần bảy lượt làm đơn xin được ký giấy xác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương vẫn từ chối ông Mạnh với lý do đây là đất trái pháp luật. Thành thử, gia đình lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Khi gia đình ông Mạnh tiến hành đặt công-ten-nơ và dựng công trình phục vụ sinh hoạt trên mảnh đất này, chính quyền xã Tùng Lâm đã quyết liệt ngăn cản không cho thi công.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh cho hay: “Bản thân tôi là thương binh hạng ¼, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn về chỗ ở. Tôi đã làm đơn lên xã trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng được đặt công-ten-nơ và bắn mái tôn để chống nóng mà cũng không được. Tôi không làm cản trở giao thông hay ảnh hưởng đến đường điện, mà tôi chỉ làm tạm đó ở lúc nào Nhà nước cần thiết làm đường qua hay thu hồi cho công ty nào làm đấy thì tôi tự tháo dỡ không bắt đền mà xã vẫn không cho”.

Cho rằng chính quyền xã thiếu minh bạch và công bằng, ông Mạnh bức xúc: “Tại sao cùng một lô đất đó, các hộ dân khác làm được, mà tôi không làm được. Thậm chí người ta còn xây nhà, làm hàng quán trên đó, có nhà còn lấn chiếm cả đất nông nghiệp mà chính quyền không hề đả động gì đến, còn tôi chỉ dựng lều tạm bợ chờ khi đất có sổ thôi cũng làm khó”.

Hậu quả “do lịch sử để lại”

Để làm rõ những khúc mắc xung quanh vấn đề này, PV đã liên hệ với ông Lê Ngọc Thuyết, Chủ tịch UBND xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia.

Trước hết, ông Thuyết khẳng định, việc mua bán đất giữa gia đình ông Mạnh và ông Bích là việc mua bán trái luật, chính quyền không thể công nhận bởi đây là đất mà xã đã bán trái thẩm quyền từ năm 1994, đất thuộc quy hoạch khu kinh tế Nghi Sơn. Cho đến nay, chính quyền vẫn chưa thể khắc phục được hậu quả.

 Lô đất trị giá 600 đồng triệu ven quốc lộ 1A thuộc quy hoạch khu kinh tế Nghi Sơn

Ông Thuyết cho rằng: “Mặc dù biết đây là đất không phép, các hộ dân vẫn mua đi bán lại vì thấy có lợi nhuận. Chúng tôi đã nhiều lần lập biên bản xử phạt hành chính đối với anh Nguyễn Văn Pha (con rể ông Mạnh) khi xây dựng công trình trái phép trên lô đất này”.

Thậm chí chính quyền đã phải ra quân vào lúc nửa đêm để ngăn chặn việc thi công của gia đình ông Mạnh.

Cũng theo vị chủ tịch xã, nguyên nhân khiến cho tình trạng đất đai trên địa bàn trở nên phức tạp là do lịch sử để lại. Năm 1994, chính quyền xã đã bán đất trái thẩm quyền cho 356 trường hợp, những diện tích đất được bán ra theo diện đất ở lâu dài từ đó đến nay. Hiện tại, có hơn 20 hộ gia đình đang sinh sống trên những mảnh đất này trong tình trạng không phép.

Có thể thấy, xã Tùng Lâm đã rất cương quyết trong trường hợp anh Pha, tuy nhiên gia đình ông Mạnh cũng có lí do khi cho rằng xã thiếu công bằng, minh bạch trong khi chỉ xử lí một trường hợp cá biệt mà làm ngơ cho nhiều hộ dân khác cũng đang vi phạm trên đất trái phép. Về vấn đề này, chính quyền chưa có một câu trả lời thỏa đáng.

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan này đã kéo dài nhiều năm tại xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia. Mặc dù muốn khắc phục nhưng chính quyền lại bất lực vì không thể thu hồi đất. Còn người dân thì như ngồi trên đống lửa, bởi đất không sổ đỏ, không có quyền sử dụng được công nhận, thành thử đất có cũng như không, nguy cơ tay trắng có thể xảy ra bất cứ khi nào.

“Chính quyền địa phương rất mong muốn giải quyết cho các hộ dân được có giấy tờ hợp lệ trên phần đất hiện tại, nhưng chúng tôi không có đủ cơ sở để giải quyết. Đây là đất trái thẩm quyền, nếu chúng tôi công nhận thì sai lại chồng sai. Xã đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất bằng văn bản lên cơ quan có thẩm quyền có trên nhưng vẫn chưa có hồi đáp về phương hướng giải quyết. Chúng tôi không có đủ thẩm quyền để xử lý dứt điểm vấn đề này, điều chúng tôi mong muốn là Chính phủ sẽ có cơ chế để giải quyết thỏa đáng cho địa phương”, ông Thuyết bày tỏ.

Liên hệ với ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia để tìm hiểu về vụ việc, ông Dũng thoái thác: “Hiện tại chưa thể trả lời về vấn đề này ngay được vì cần phải nghiên cứu lại hồ sơ”.

Thiết nghĩ, đất đai là vấn đề sống còn của người dân để họ được "an cư lạc nghiệp" theo đúng nghĩa. Chính quyền đã chuyển giao qua nhiều thế hệ, thế nhưng vấn đề sai lầm của năm 1994 đến nay vẫn còn chưa có hướng khắc phục. Cũng từ đó đến nay, không một ai đứng ra tìm cách giải quyết để đảm bảo cuộc sống an sinh cho người dân. Rõ ràng, vẫn còn thiếu sự trách nhiệm, quyết liệt, triệt để của những người cầm cân nảy mực ở địa phương này.

 Lương Thị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến