Dòng sự kiện:
Bộ trưởng GTVT: Trách nhiệm của nhà đầu tư là 'lời ăn lỗ chịu'
29/01/2019 15:00:04
"Chúng tôi sẽ có một số quy định mới, ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện và lái xe theo hướng xử lý nặng những lỗi sử dụng rượu bia, chất kích thích...", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Trong thời gian vừa qua, ngành giao thông vận tải liên tiếp xảy ra các sự cố hàng không, tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đáng chú ý, là hàng loạt “lùm xùm” về chỉ định thầu, đấu thầu, chất lượng đường kém khiến cho dư luận bức xúc, trao đổi với PV, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Chúng tôi nghiêm túc tiếp nhận ý kiến của dư luận, của người dân, doanh nghiệp...”.

Thưa Bộ trưởng! Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Hậu quả của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng là sự mất mát rất to lớn về người và tài sản, để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc về quản lý phương tiện giao thông, đào tạo lái xe và quản lý doanh nghiệp vận tải. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có ý thức chấp hành pháp luật của một số lái xe chưa tốt, biểu hiện ở chỗ có bằng cấp đầy đủ nhưng không chấp hành hiệu lệnh, gặp đèn đỏ không dừng, sử dụng rượu bia, chất kích thích...

Bộ trưởng bộ GTVT chia sẻ với PV.

Sắp tới, chúng tôi sẽ có một số quy định mới, ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện và lái xe theo hướng xử lý nặng những lỗi tương tự. Qua đó, sẽ thu hồi giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với các vụ nghiêm trọng. Chúng tôi cũng nhìn nhận hệ thống hạ tầng còn yếu kém, công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa chưa đáp ứng kịp thời.

Năm 2018, liên tiếp xảy ra phản ứng từ người dân phản đối thu phí BOT, trong đó lý do người dân đặt ra là do trạm thu phí BOT đặt nhầm chỗ, thu phí cao, bộ GTVT giải quyết ra sao về vấn đề này?

Cần phải khẳng định rằng, tất cả các trạm BOT đang vận hành và sắp đưa vào vận hành đã thực hiện đúng theo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và quy định của pháp luật. Các dự án đều được bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, quá trình thực hiện không chỉ bộ GTVT mà các bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ.

Đối với những vấn đề xảy ra tại các trạm thu phí, Bộ nghiêm túc tiếp nhận ý kiến của dư luận, của người dân, doanh nghiệp. Nếu chúng ta không thu phí BOT thì Nhà nước phải bỏ tiền ra mua lại dự án, vì nhà đầu tư thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu đồng thuận sẽ trình Quốc hội để bỏ ra một khoản kinh phí khoảng vài chục nghìn tỷ đồng mua lại các dự án BOT. Hiện, ngân sách Nhà nước cho đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã phân bổ xong.

Do vậy, nếu sử dụng ngân sách phải chờ nhiệm kỳ 2020-2025 mới bố trí được, đồng thời, phải căn cứ vào tình hình tài chính quốc gia. Xử lý tồn tại ở các dự án BOT là bài toán tổng thể, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu, báo cáo thường xuyên với Chính phủ, làm cơ sở báo cáo Quốc hội quyết định.

Hàng loạt các trạm thu phí BOT gặp phản ứng của người dân trong thời gian vừa qua.

Việc triển khai các dự án BOT sắp tới đều thông qua đấu thầu rộng rãi. Rút kinh nghiệm từ các dự án trước, kể cả trong trường hợp đấu thầu không thành công, Chính phủ cho phép chỉ định thầu, chúng tôi cũng kiên trì thực hiện đấu thầu, đến khi nào đủ nhà đầu tư tham gia, đủ điều kiện xét thầu để bảo đảm công khai, minh bạch.

Khi thực hiện đấu thầu, trách nhiệm của nhà đầu tư là "lời ăn lỗ chịu", xã hội chấp nhận vì đã được công khai, rõ ràng. Trong quá trình khai thác sẽ không có sự điều chỉnh mức phí của Nhà nước mà bộ GTVT chỉ quản lý khung mức phí theo chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua. Cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp để giảm hay tăng phí mà hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

Từ các dự án đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân đã thực hiện thành công, như sân bay Vân Đồn, chúng tôi nhận thấy, doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án rất nhanh. Một dự án xây dựng sân bay nếu Nhà nước làm phải mất 5-6 năm, doanh nghiệp tư nhân chỉ mất 3 năm.

Đây là vấn đề chúng tôi đang báo cáo Chính phủ, Quốc hội để xem xét lại các quy định về xây dựng cơ bản, nên chăng cần giảm bớt các đầu mối, các công đoạn để rút ngắn thời gian, giao trách nhiệm trực tiếp vào một số bộ, ngành, chủ đầu tư, khi có vấn đề chúng ta xử lý đúng người đúng việc.

Bộ GTVT đã rút ra bài học gì từ chất lượng của cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi để sắp tới thực hiện xây dựng các dự án trọng điểm, Sân bay Long Thành; Đường sắt cao tốc Bắc – Nam?

Mặc dù, còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhưng chúng tôi đã kiểm soát được tiến độ những dự án và có thể đáp ứng yêu cầu để triển khai công việc tiếp theo. Đối với dự án đường cao tốc Bắc - Nam có 11 dự án thành phần, đã phê duyệt toàn bộ 11 dự án. Năm 2019 là năm bản lề, phải triển khai ra thực địa dự án này.

Dự kiến, tháng 2/2019, bộ GTVT sẽ hoàn thành hồ sơ thiết kế, lập dự toán và đấu thầu công khai, sau khi đơn vị tư vấn trúng thầu sẽ tập trung vào thiết kế, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho từng dự án. Từ tháng 4/2019 sẽ bàn giao mốc GPMB cho địa phương.

Tin nhanh - Bộ trưởng GTVT: Trách nhiệm của nhà đầu tư là 'lời ăn lỗ chịu' (Hình 3).
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống cấp là một bài học đối với ngành giao thông.
Chúng tôi sẽ chọn những đoạn ít ảnh hưởng đến tái định cư để triển khai trước, sớm có mặt bằng, đủ điều kiện đấu thầu xây lắp; các đoạn gặp nhiều vướng mắc có thể chậm hơn nhưng cố gắng năm 2019 giải ngân 50% vốn GPMB mà Quốc hội đã bố trí. Với 3 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước sẽ khởi công trong năm 2019.

Còn 8 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP), dự kiến, tháng 9/2019 sẽ hoàn thành sơ tuyển nhà đầu tư, sau đó đến cuối năm sẽ đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng cho năm 2020 và năm 2021 tập trung vào công tác xây dựng.

Đối với dự án cảng HKQT Long Thành, có hai nhiệm vụ đang thực hiện, một là phối hợp với địa phương để GPMB, hai là lập dự án. Chính phủ đã phê duyệt dự án GPMB, bộ GTVT đang phối hợp với địa phương để kiểm đếm, năm 2019 sẽ chi trả tiền đền bù, hỗ trợ. Riêng phần lập dự án, tháng 6/2018 đã giao thầu cho đơn vị tư vấn, chúng tôi đã nghe báo cáo đầu kỳ, đang chuẩn bị nghe báo cáo cuối kỳ. Hai hạng mục công việc này đến nay đều bảo đảm tiến độ.

Năm 2018, một số sự cố kỹ thuật đã xảy ra ở các tuyến đường như: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Cao tốc Hà Nội-Lào Cai. Đây là bài học để thực hiện trong giai đoạn tới. Khi thực hiện các dự án sắp tới, chúng tôi sẽ đưa thêm các ràng buộc về chất lượng công trình đối với nhà thầu.

Nhà thầu làm hồ sơ tốt nhưng năng lực thực tế về con người, thiết bị không đáp ứng được, chúng tôi sẽ cắt hợp đồng, tịch thu bảo lãnh để thực hiện nghiêm. Đồng thời, đánh giá cao vai trò của các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Khi đấu thầu dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, chúng tôi sẽ có cách làm mới, xem xét kỹ chất lượng nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng, rút bài học kinh nghiệm hiện nay để có công trình chất lượng tốt hơn.

Bộ GTVT sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn các sự cố Hàng không có nguy cơ uy hiếp tới an toàn Hàng không?

Thời gian qua, có một số sự cố kỹ thuật ảnh hưởng đến an toàn hàng không. Chính phủ, bộ GTVT đã có những chỉ đạo quyết liệt về vấn đề kỹ thuật máy bay, trước mỗi chuyến bay đều phải kiểm tra các thông số kỹ thuật, chúng tôi sẽ làm việc với đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật để bảo đảm an toàn tuyệt đối thì mới cho cất, hạ cánh, không để xảy ra lỗi chủ quan.

Nhóm thứ hai là phi công, sắp tới sẽ tăng cường kiểm tra xử lý các phi công có vấn đề về chuyên môn. Công tác quản lý sẽ thực hiện chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến tổ lái, cơ quan quản lý bay, cảng hàng không và các doanh nghiệp liên quan. Các quy định này nhằm mục đích bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho hành khách, giúp người dân yên tâm trên mỗi hành trình.

Xin cảm ơn ông!

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến