Dòng sự kiện:
Bộ trưởng trăn trở về vấn đề giảm nghèo bền vững
13/08/2018 12:39:32
'Câu hỏi của đại biểu có tầm chiến lược đang làm day dứt trăn trở nhiều cấp lãnh đạo và cá nhân tôi', Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc hồi âm chất vấn của đại biểu trong phiên chất vấn tại UBTV Quốc hội.

Sáng 13/8, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Giảm nghèo bền vững là vấn đề nhiều trăn trở

Là người chất vấn đầu tiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi muốn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban và giải pháp khắc phục tình trạng về khoảng cách giàu nghèo, giảm nghèo bền vững khi mà cứ 2 người nghèo nói chung thì có một người là dân tộc thiểu số. Và có nơi thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/3 bình quân cả nước.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Sỹ Lợi về giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, đây là vấn đề day dứt, trăn trở của nhiều cấp, ngành và "chính bản thân tôi". Số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 52,66%, thu nhập bình quân chỉ được 7 - 8 triệu đồng/người/năm...

Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc là cơ quan tham mưu chính, phối hợp với các bộ ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vấn đề này. Ủy ban đã tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (đất, vay vốn, đào tạo nghề...). Tuy nhiên việc thực thi chính sách còn gặp những khó khăn, vướng mắc.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu về: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc miền núi; tạo sinh kế cho đồng bào; giải quyết ổn định vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường; tăng cường tuyên truyền vận động để bà con tự hào về nguồn cội, tự tin vào bản thân, tự lực vươn lên không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; nghiên cứu tích hợp các chính sách để tập trung chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bào dân tộc thiểu số...

Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy, Bộ trưởng cho biết có 16 dân tộc thiểu số dưới 10.000 người. Ủy ban đã tham mưu ban hành được 1 chính sách đặc thù để hỗ trợ cho từng dân tộc rất ít người. Trong đó, đã đầu tư trực tiếp cho 4 dân tộc thiểu số dưới 1000 người, xác định nhiệm vụ đầu tư cụ thể cho từng thôn bản, từng dân tộc...

Trả lời đại biểu Y Nhàn, Bộ trưởng cho biết khi nhận nhiệm vụ ông đã tới tất cả những vùng khó khăn nhất của cả nước, nên nắm rất rõ và thấu hiểu những khó khăn của đồng bào. Tuy nhiên, vừa qua do sự chuyển giao giữa 2 khóa nên việc đầu tư ngân sách cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn, vướng mắc... Ủy ban dân tộc cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ xây dựng nghị quyết, trình Quốc hội xem xét để bố trí vốn cho đồng bào.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc

Phát biểu về các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 54 dân tộc thiểu số. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đại đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược. Trong những năm qua, các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị đã quan tâm đầu tư nguồn lực, hạ tầng, bảo đảm sinh kế, y tế, giáo dục... nâng cao đời sống người dân. 

Tuy vậy, hiện nay vùng dân tộc thiểu số vẫn là vùng chậm phát triển, thiên tai, đói nghèo, lạc hậu vẫn đang là một thách thức lớn.

Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách quan trọng để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và bước đầu đã đạt được những kết quả. Tuy nhiên trong công tác dân tộc vẫn còn những hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp khắc phục căn cơ trong thời gian tới.

Chỉ được trả lời 3 phút cho mỗi chất vấn nên Bộ trưởng không nêu được nhiều thông tin chi tiết, song báo cáo của Bộ trưởng trước phiên chất vấn cho thấy vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng có điều kiện sống khó khăn nhất trong cả nước. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Tây Bắc là: 28,1%, miền núi Đông Bắc 14,87%; Tây Nguyên 12,86%; các tỉnh Bắc Trung bộ là 8,2% (tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 6,7%).

Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm ở nông thôn còn nhiều hạn chế.

Hiện nay, tỷ lệ tảo hôn chung của 53 dân tộc thiểu số  là 26,6%, trong đó có 40 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên; có 13 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống ở một số dân tộc còn cao 4 – 5%.

Tỷ lệ biết đọc, biết viết của người dân tộc thiểu số chỉ đạt 79,2% trong khi cả nước là 94,7% (tương đương với khoảng 20% người dân tộc thiểu số mù chữ), phụ nữ dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết chữ là 15%. Tỷ lệ học sinh đi học trung học cơ sở đạt 83,9%, trung học phổ thông đạt 41,8%. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số cũng đang là vấn đề nổi cộm, lên đến 5,76%, cao hơn gấp 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước (2,34%)...

Linh Nhi (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến