Dòng sự kiện:
BVSC: Cầu tín dụng cuối năm sẽ thấp hơn 6 tháng đầu năm
03/09/2018 05:49:38
Áp lực từ thị trường 2 có thể khiến mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường dân cư tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Tuy nhiên, CTCK này nhận định mức tăng sẽ không quá nhiều (dưới 0,5%).

Theo báo cáo lãi suất của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), những căng thằng trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu dẫn truyền sang thị trường huy động vốn từ dân cư với việc hàng loạt các ngân hàng như Bản Việt, SHB, Techcombank, Vietbank... điều chỉnh biểu lãi suất với mức điều chỉnh từ 0,1-0,3% tùy từng kỳ hạn.

Thực tế, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã bật tăng và duy trì ở mức cao kể từ giữa tháng 7 đến nay. Thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp hơn khi NHNN hút ròng vốn qua kênh tín phiếu và thực hiện bán ra ngoại tệ.

Trước đó, thanh khoản ở trạng thái thái dư thừa suốt nửa đầu năm. Đến ngày 20/06, ở phía cung vốn, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 đạt 7,96%, tương đương 652.000 tỷ đồng thì tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 413.000 tỷ đồng, tương đương tăng 6,35% so với cuối năm 2017.

Phần chênh lớn giữa tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng (238.000 tỷ đồng) đến từ việc mua ngoại tệ của NHNN. Ước tính dự trữ ngoại hối đến đầu tháng 5/2018 tăng 11 tỷ USD so với cuối năm 2017 tương đương đã có khoảng 250.000 tỷ đồng bơm ra thị trường.

Theo quan sát của BVSC, nhiều khả năng tăng trưởng M2 đã chậm lại đáng kể trong 2 tháng gần đây. Kể từ ngày 30/07 đến 24/08/2018, NHNN đã hút ròng tổng cộng 23.687 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trưởng mở OMO (-435 tỷ đồng) và tín phiếu (-23.252 tỷ đồng). Cùng với đó, với sự căng thẳng của tỷ giá USD/VND, ước tính NHNN cũng đã phải bán ra trên 2 tỷ USD, đồng nghĩa hút thêm 46.000 tỷ đồng về.

Diễn biến bơm/ hút đối lập là những động thái cho thấy NHNN đang chủ động rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng. Hai mục đích cho động thái này là thực thi chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ hơn nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát tăng mạnh và giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Khi cung không còn quá dư thừa, một mặt tiền đồng sẽ lên giá, một mặt giảm bớt hiện tượng đầu cơ USD trong hệ thống ngân hàng.

Áp lực từ thị trường 2 có thể khiến mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường dân cư tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Tuy nhiên, CTCK này nhận định mức tăng sẽ không quá nhiều (dưới 0,5%).

Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng cuối năm sẽ thấp hơn 6 tháng đầu năm (room tăng trưởng tín dụng cho năm nay chỉ là 15% trong khi đa phần các ngân hàng đã dùng hết 2/3 hạn mức tăng tín dụng trong 6 tháng đầu năm). Việc tăng lãi suất có thể cũng sẽ tập trung ở các kỳ hạn dài khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị giảm xuống còn 40% kể từ đầu năm 2019.

Cũng theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt, lợi suất TPCP có dấu hiệu bật tăng, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn. Sau khi lập đáy trong quý I/2018 với mức 3% cho kỳ hạn 5 năm; 4% cho kỳ hạn 10 năm; 5,4% cho kỳ hạn 30 năm, lợi suất TPCP đã và đang có xu hướng bật tăng mạnh kể từ đầu tháng 7 đến nay. Cụ thể, lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp kỳ hạn 5 năm ngày 24/08/2018 đã đạt mức 4,65%/năm; kỳ hạn 10 năm đạt mức 5,2%/năm – tức tăng 100-120 điểm cơ bản so với mức đáy. Đáng chú ý, lợi suất các kỳ hạn ngắn như 5 năm (tăng 1,65%) có xu hướng tăng mạnh hơn so với các kỳ hạn dài 10 năm (tăng 1,1%). Nếu lợi suất các kỳ hạn ngắn tiếp tục tăng nhanh hơn kỳ hạn dài, đường cong lợi suất sẽ ngày càng phẳng. 

Bên cạnh đó, trong quý III/2018, KBNN đặt mục tiêu phát hành tổng cộng 75.000 tỷ đồng TPCP nhưng tính đến ngày 24/08 mới chỉ phát hành được 29.680 tỷ đồng, tương đương 39% kế hoạch quý. 

Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 24/08, KBNN đã phát hành tổng cộng 100.916 tỷ đồng, tương đương 50% kế hoạch năm. Trong khi đó, vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 153,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ nhưng mới bằng 44,5% kế hoạch năm. Theo thông lệ, giải ngân vốn đầu tư công sẽ có xu hướng tăng tốc trong thời điểm cuối năm, cụ thể giải ngân vốn trong tháng 7 đạt 29,2 nghìn tỷ đồng, tăng so với mức trung bình 21 nghìn tỷ đồng/tháng trong 2 quý đầu năm. 

"Theo chúng tôi, tốc độ cải thiện trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ có ảnh hưởng lớn tới tình hình phát hành TPCP của KBNN trong thời gian tới. Nếu đầu tư công tăng tốc mạnh, KBNN sẽ chịu sức ép phát hành TPCP nhiều hơn, qua đó lợi suất có thể tăng nhẹ, đặc biệt khi KBNN tính đến nay mới chỉ hoàn thành 50% kế hoạch phát hành cho cả năm dù đã qua 8 tháng", chuyên gia của BVSC cho hay. 

Khi so sánh tương quan với các nước trong khu vực, BVSC cho rằng lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam hiện đang thấp hơn Indonesia, Phillippines trong khi cao hơn so với Thái Lan và Malaysia. Có những thời điểm vào đầu năm 2018, lợi suất trái phiếu 10 năm của Việt Nam còn thấp hơn lợi suất trái phiếu 10 năm của Malaysia. 

Gần đây, lợi suất trái phiếu của Việt Nam đã tăng trở lại và theo BVSC, diễn biến trên là hợp lý nếu xét đến trình độ phát triển kinh tế cũng như bối cảnh lạm phát, rủi ro tỷ giá của các nước. Lạm phát so với cùng kỳ tính đến thời điểm cuối tháng 7 của Việt Nam cao hơn so với các nước trên nhưng mức mất giá của VND (-2,5%) đều thấp hơn hẳn so với Bath Thái Lan (-3%), Rupee của Indonesia (-8%) và Peso của Phillipines (-7,3%)

BVSC cho rằng cung TPCP trong hai quý cuối năm sẽ tăng so với hai quý đầu năm trong khi nguồn cầu từ các NHTM bị ảnh hưởng do thanh khoản không còn dư thừa và chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN. Trên cơ sở đó, BVSC dự báo lợi suất TPCP của Việt Nam sẽ tăng nhẹ. Tuy nhiên, khả năng lạm phát và rủi ro tỷ giá sẽ được Chính phủ kiếm soát tốt nên mức tăng của lợi suất TPCP từ giờ tới cuối năm sẽ được giới hạn ở mức dưới 50 điểm.

Thu Hà (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến