Dòng sự kiện:
Cần biện pháp mạnh đối với doanh nghiệp bất động sản chây ì nợ thuế
16/05/2018 13:00:35
Thời gian qua, dù đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhưng ngành Thuế vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nợ đọng thuế của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản.

Cố tình chây ì

Hiện nay, các doanh nghiệp nợ thuế chủ yếu tập trung vào 2 nội dung: Nợ thuế sản xuất kinh doanh và nợ tiền sử dụng đất. Trong đó, số nợ tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp đều là những con số không nhỏ.

Công khai tên doanh nghiệp bất động sản nợ thuế là điều cần thiết. Ảnh: Nguyễn Hiền​​​.

Theo số liệu của Cục Thuế Hà Nội, đơn vị này hiện đang có nhiều doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất từ năm này qua năm khác với số tiền lên tới hàng trăm, hàng chục tỷ đồng. Điển hình trong đó phải kể đến những tên tuổi như: Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long với số nợ lên tới gần 355 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam với số nợ hơn 61,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sông Đà 9.06 với số nợ gần 40 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lắp máy Điện nước và Xây xựng 1 với số nợ hơn 36,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lắp máy Điện nước và Xây dựng 2 với số nợ 34,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng Nền móng Jikon với số nợ 34,2 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên đầu tư hạ tầng - kinh doanh đô thị với số nợ gần 30 tỷ đồng…

Điểm lại trường hợp nợ lớn là Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long, từ năm 2015 đến nay, Cục Thuế Hà Nội đã liên tục gửi thông báo, mời lên gặp mặt, sau đó áp dụng những biện pháp quyết liệt như cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn, thậm chí còn thu hồi giấy phép kinh doanh. Nhưng với năng lực tài chính yếu kém cùng với việc vướng phải “rắc rối” từ dự án CT2-105 UsilkCity (do doanh nghiêp này là chủ đầu tư đã chậm tiến độ, chưa bàn giao nhà cho khách hàng từ năm 2010), Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long đến nay vẫn là “điểm nóng” không thể thu nợ thuế của Cục Thuế Hà Nội với số nợ chồng nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Với những trường hợp nợ tiền sử dụng đất chây ì khác trên địa bàn, Cục Thuế Hà Nội cũng đã thực hiện hết các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị này vẫn đang phải tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đóng thuế.

Thời gian qua, toàn ngành Thuế đã liên tục thành lập các đoàn liên ngành triển khai công tác chống thất thu thuế. Các cục thuế cũng đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với doanh nghiệp còn nợ chây ì như: Biện pháp cưỡng chế tài khoản; cưỡng chế hóa đơn; cưỡng chế kê biên tài sản (đối với hộ kinh doanh); biện pháp thu hồi giấy phép, giấy đăng ký kinh doanh, nhắn tin cho doanh nghiệp để đôn đốc nợ thuế hoặc đăng tải trên hệ thống thông tin đại chúng cho các doanh nghiệp nợ thuế. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì, “treo nợ” từ năm này qua năm khác.

Mức phạt chưa đủ sức răn đe

Trên thực tế, trong công tác quản lý nợ, ngành Thuế đã áp dụng hàng loạt biện pháp cưỡng chế để xử lý doanh nghiệp còn chây ì nợ thuế. Tuy nhiên, hiệu quả của những biện pháp trên vẫn chưa thực sự phát huy.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các biện pháp cưỡng chế nợ thuế phải thực hiện theo đúng quy trình, đúng thứ tự, từ biện pháp nhẹ nhất là trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nợ thuế đến 2 biện pháp nặng nhất là thu hồi mã số thuế, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn và thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh. Quy định này đang làm khó chi cục thuế nhiều địa phương, vì nếu áp dụng tuần tự các biện pháp cưỡng chế sẽ mất rất nhiều thời gian.

Mặt khác, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chây ì nợ thuế là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không có năng lực về tài chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Hơn nữa, còn tình trạng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau, chậm được thanh toán dẫn đến nợ thuế. Các doanh nghiệp là nhà thầu phụ, doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu cho nhà thầu chính thi công các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được ngân sách nhà nước thanh toán kịp thời dẫn đến nợ thuế.

Theo một chuyên gia lĩnh vực bất động sản, thực tế, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn nên nợ thuế là điều dễ hiểu. “Riêng mức lãi suất vay tiền ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp đã trên 11%/năm. Còn nợ thuế thì không phải thế chấp, doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền nợ thuế để kinh doanh, sản xuất. Theo quy định, mức phạt đối với việc chậm nộp thuế hiện nay là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương khoảng 11%/năm, thấp hơn mức lãi vay đầu tư. Mức phạt giảm đã không đủ sức răn đe các doanh nghiệp chưa chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước. Đó cũng là một trong những lý do gia tăng số doanh nghiệp bất động sản nợ thuế”, vị này cho hay.

Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nợ đọng thuế, cơ quan Thuế nên công khai tên tuổi của doanh nghiệp để thị trường được minh bạch, người dân đánh giá được năng lực tài chính của chủ đầu tư trước khi quyết định mua nhà đất của dự án. Đồng thời, doanh nghiệp đã nợ thuế thì không được giao dự án để triển khai thực hiện. Đối với những dự án đang “treo” và nợ thuế, cần thu hồi để tránh tình trạng nợ tồn đọng.

Việc đôn đốc thu tiền dự án, doanh nghiệp nộp thuế là rất cần thiết nhằm đảm bảo công bằng trước pháp luật cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh các việc tăng cường giải pháp thu, cần có biện pháp mạnh đối với doanh nghiệp chây ì nộp thuế. Trong đó, phải nâng mức xử phạt hoặc các hình thức đi kèm chính là cơ sở quan trọng để tập trung giải quyết tình trạng nợ đọng kéo dài như hiện nay. 

Theo Báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến