Dòng sự kiện:
Cân nhắc buýt thường chung làn buýt BRT
10/05/2017 09:56:08
Trước khi để buýt thường và buýt nhanh “sống chung”, các cơ quan chức năng cần tính đến việc buýt thường vẫn đang phải chạy chung làn với xe cá nhân, các điểm dừng đỗ của buýt thường không trùng với buýt nhanh.

Người dân Hà Nội, nhất là những người thường xuyên đi xe buýt đặc biệt quan tâm tới việc Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao các đơn vị liên quan tổ chức thí điểm xe buýt thường được phép lưu thông tại làn đường dành riêng cho xe buýt BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa.

Hiện, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội đang tổ chức khảo sát, lên phương án trình cấp trên xem xét. Nếu mọi việc suôn sẻ, dự kiến việc thí điểm chung làn giữa buýt thường và buýt BRT có thể bắt đầu thực hiện từ tháng 6 và kéo dài 6 tháng.

Vẫn biết, trong khi chờ hoàn thiện hệ thống buýt BRT, chờ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt vẫn đang giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống VTKCC của Thủ đô. Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ buýt BRT mà bản thân buýt thường cũng cần được ưu tiên, quan tâm. Tuy nhiên, việc để buýt thường chạy cùng làn với buýt BRT vẫn khiến không ít người băn khoăn. Liệu việc làm này có làm mất vai trò và ý nghĩa thực sự của buýt BRT?

 

Hành khách đi xe buýt rất đông và buổi sáng và giờ tan tầm

Trước khi để buýt thường và buýt BRT “sống chung”, các cơ quan chức năng cần tính đến việc buýt thường vẫn đang phải chạy chung làn với xe cá nhân, các điểm dừng, đỗ của buýt thường không trùng với buýt BRT. Do đó, dù đi chung làn với buýt BRT, đến điểm đón, trả khách, buýt thường vẫn phải ra - vào mép đường bên phải nơi cắm điểm dừng, đỗ sẽ gây cản trở cho các làn xe khác.

Dù bỏ qua việc này, việc đi chung làn với buýt BRT cũng không dễ dàng gì cho buýt thường. Thử tưởng tượng xe đang chạy được một đoạn lại phải “đè đầu” hàng loạt phương tiện khác để tạt ra đón khách. Việc này không những nguy hiểm, mất ATGT mà còn phản cảm, thậm chí gây ùn tắc cục bộ. Đó là chưa nói đến việc, ưu điểm lớn nhất của xe buýt BRT là tốc độ, đáp ứng yêu cầu về thời gian hành trình của khách. Nếu bị hạn chế mặt mạnh nhất, liệu xe buýt BRT có còn sức hấp dẫn.

Vẫn biết, việc “ghép đôi” buýt BRT và buýt thường chỉ là giải pháp tình thế và “liệu cơm, gắp mắm” của TP Hà Nội. Tuy nhiên, trước khi có quyết định cuối cùng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để không làm giảm hiệu quả của buýt BRT, đồng thời gây thêm ùn tắc cho giao thông Thủ đô vốn đang rất quá tải và nhiều bất cập.

TS. Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia thẳng thắn chia sẻ, hiện trong giờ cao điểm, tần suất buýt BRT là 5 phút/chuyến, hoàn toàn có thể cho buýt thường vào khai thác xen kẽ. Nhưng khi chúng ta xây dựng được hệ thống giao thông thông minh hoàn hảo, buýt BRT chạy với tần suất 2 phút/chuyến, thậm chí 1 phút/chuyến, không lý do gì phải đưa buýt thường vào làn buýt BRT cả.

Theo báo Giao Thông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến