Dòng sự kiện:
Cẩn trọng trước diễn biến của giá dầu
09/06/2018 07:02:36
Dựa vào những diễn biến trên thị trường, nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo, giá dầu trên thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Diễn biến phức tạp

Những tháng cuối năm 2017, các quốc gia dự trữ dầu lớn trên thế giới liên tục đưa ra thông tin lượng dầu tồn kho giảm. Cụ thể, Mỹ - quốc gia dự trữ dầu lớn nhất thế giới cho biết, tính đến giữa tháng 12/2017, tồn kho thương mại là 436 triệu thùng, giảm 10% so với đầu năm 2016. Tương tự, Trung Quốc - quốc gia dự trữ dầu lớn thứ 2 thế giới cũng cho biết, tính đến tháng 10/2017, tồn kho thương mại là 349 triệu thùng, giảm 17 triệu thùng so với cùng kỳ 2016. Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và 11 nước ngoài OPEC đã ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017 đến 31/3/2018.

Giá dầu tăng tác động mạnh đến lạm phát và tăng trưởng

Những thông tin này đã khiến giá dầu thế giới liên tục tăng, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu lên cao nhất trong nhiều năm với 80 USD/thùng vào đầu tháng 5/2018. Đặc biệt, nhiều thông tin còn dự báo, do sự sụt giảm mạnh về sản xuất dầu của Venezuela, giá dầu có thể lên tới 100 USD/thùng trong thời gian tới.

Khẳng định với phóng viên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: Giá dầu được dự báo tăng còn bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 được dự báo có nhiều cải thiện, điều này đã tác động tích cực lên giá dầu thế giới.

Trước những diễn biến khó lường của giá dầu, Saudi Arabia, lãnh đạo OPEC và những nhà sản xuất hàng đầu của Nga cho biết, họ đang thảo luận về việc tăng sản lượng dầu lên 1 triệu thùng/ngày. Cùng với đó, các công ty năng lượng của Mỹ cũng bổ sung thêm 15 giàn khoan tìm kiếm dầu mới, đưa số lượng dàn khoan lên mức 859, cao nhất từ năm 2015 đến nay. Điều này đã làm giá dầu thế giới có những biến động tăng - giảm trong những ngày đầu tháng 6/2018.

Mặc dù vậy, chia sẻ với phóng viên, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng, về dài hạn, giá dầu vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Ứng phó kịp thời

Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, giá dầu thế giới tăng sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng cũng như lạm phát của Việt Nam từ nay đến cuối năm. Bởi, mặc dù là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu thô, song sản lượng của Việt Nam chưa nhiều, những năm gần đây, tình hình khai thác lại có dấu hiệu chững lại.

Trước đây, xuất khẩu dầu thô của Việt Nam đóng góp tới 20% GDP, song hiện nay chỉ còn đóng góp khoảng 5% GDP - ông Doanh cho biết thêm.

Trong khi đó, giá dầu trên thế giới tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của Việt Nam, bởi hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng xăng rất lớn trên thế giới, giá dầu tăng cũng kéo theo giá xăng và các nguyên liệu đầu vào khác tăng lên, sẽ tác động lớn đến tăng trưởng và lạm phát trong nước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cho thấy, giá xăng - dầu điều chỉnh tăng 2 lần trong tháng 5/2018 đã tác động mạnh lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể, giá xăng dầu tăng vào các ngày 8/5 và 23/5, tổng cộng khiến giá xăng A95 tăng thêm 1.010 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 1.010 đồng/lít; giá dầu diezen tăng 960 đồng/lít nên bình quân giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI 0,16%. Đây cũng là nguyên nhân khiến CPI tháng 5/2018 tăng đột biến với 0,55% so với tháng trước, tăng cao nhất trong vòng 6 năm (từ năm 2012) trở lại đây.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, nguy cơ CPI tăng đã được dự báo ngay từ đầu năm khi thông tin giá dầu trên thế giới tăng. Theo đó, nếu không có những ứng phó kịp thời, lạm phát sẽ quay trở lại và tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong những tháng cuối năm, khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% theo yêu cầu của Chính phủ cũng không đơn giản.

Phân tích kỹ hơn ở góc độ tăng trưởng kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, giá dầu tăng, tác động mạnh đến các nguyên liệu đầu vào tăng, điều đó sẽ làm tăng giá cả hàng hóa, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đối với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia,… khiến thị trường trong nước và ngoài nước có thể bị thu hẹp, tác động đến khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Để giảm tác động của giá dầu tăng đến tăng trưởng và lạm phát của trong những tháng cuối năm, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần phát triển các nguồn năng lượng thay thế, nhằm giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu, giảm nhập khẩu thông qua việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ mặt trời, sức gió. Có thể phát minh ra những sản phẩm ô tô chạy bằng điện, nhằm giảm nhập khẩu xăng dầu, hạ giá thành vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước.

Tuy nhiên, để đạt được điều này cần một thời gian và sự nỗ lực rất nhiều của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước. Đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần có những chính sách phù hợp, và bản thân các DN cũng cần tập trung đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị, nhằm tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Bên cạnh những giải pháp trên, TS Võ Trí Thành cho rằng, trước hết, để giảm áp lực lên lạm phát và mục tiêu tăng trưởng những tháng cuối năm, Chính phủ cần cẩn trọng hơn trong việc tăng giá điện, tăng giá dịch vụ y tế. Cùng với đó, cần vận dụng chính sách tiền tệ hợp lý, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

TS Lê Đăng Doanh: Nếu diễn biến giá dầu tăng quá cao sẽ tác động không tốt đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần phải nỗ lực rất lớn.

Theo Báo Công thương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến