Dòng sự kiện:
Căng thẳng BOT Cai Lậy: Hành vi của 14 lái xe có vi phạm pháp luật?
05/12/2017 17:29:18
Theo các chuyên gia pháp lý, trong vụ việc căng thẳng tại BOT Cai Lậy, chưa bàn đến chuyện đúng sai, nhưng việc một số lái xe có những hành vi gây rối làm cản trở giao thông là vi phạm pháp luật.

Những ngày gần đây, dư luận cả nước xôn xao trước hiện tượng lái xe khi qua trạm BOT Cai Lậy – Tiền Giang phản đối việc thu phí bằng các hình thức như trả tiền mệnh giá lơn 500.000 hoặc mệnh giá nhỏ 100 đồng, 200 đồng,... Việc này đã làm cho trạm thu phí liên tục bị tê liệt, xả trạm gây ảnh hưởng tới hoạt động của người dân, phương tiện lưu thông qua khu vực này.

Trước thực tế trên, chiều 4/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp bàn để chỉ đạo "không để kéo dài tình trạng" ở BOT Cai Lậy.  Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng đã có chỉ đạo tạm dừng thu phí tại trạm BOT Cai Lậy trong vòng 1 tháng để có những hướng xử lý tiếp theo.

Ảnh minh họa.

Cũng tại cuộc họp,  cơ quan chức năng đã báo cáo Chính phủ về việc một số đối tượng có hành vi gây rối tại BOT Cai Lậy. Cụ thể, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, cảnh sát giao thông đã ghi hình cũng như thống kê được danh sách 14 xe ở những tỉnh khác, không phải ở các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long chỉ chuyên chạy đi chạy lại qua trạm BOT Cai Lậy để gây rối.

Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các Luật sư để sáng tỏ vấn đề trên phương diện pháp lý.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng- Công ty Luật Poseidon Lawfirm cho biết, chưa vội bàn luận việc đúng hay sai trong việc đặt vị trí của trạm BOT Cai Lậy. Bởi lẽ, nó đã và đang được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh, kiểm tra. Tuy nhiên khi chưa có kết luận cuối cùng, nhưng một số tài xế khi lưu thông thể hiện sự phản đối bằng việc sử dụng các “chiêu trò” làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của tổ chức, cản trở giao thông thì dưới góc độ pháp lý họ đã vi phạm các quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Hùng, trước hết, có thể khẳng định việc sử dụng tiền lẻ để mua vé của tài xế là không sai. Nhưng, việc tài xế sử dụng các chiêu trò như vò tiền lẻ, cuộn tròn tiền lẻ cho vào chai để mua vé, bóp còi inh ỏi,... thì đây là hành vi cố ý của người thực hiện hành vi. Bản thân tài xế biết biết việc này sẽ gây khó khăn cho nhân viên thu phí, kéo dài thời gian mua vé một cách bình thường qua đó gây ùn tắc giao thông, gây mất trật tự và ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của tổ chức. Các hành vi nêu trên có dấu hiệu của việc gây rối trật tự công cộng. 

Luật sư Hà Huy Phong – Trưởng văn phòng Luật sư Inteco cho biết, nếu việc đặt trạm thu phí BOT tại Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là không phù hợp với thực tiễn thì người dân hoàn toàn có quyền phản đối. Tuy nhiên, sự phản đối đó phải không vi phạm các quy định pháp luật.

Đồng quan điểm trên, luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho biết: “Không ai cấm một người đi lại nhiều lần trên một tuyến đường. Tuy nhiên nếu người nào lợi dụng việc này nhằm mục đích gây rối  thì không được chấp nhận. Trong sự việc tại BOT Cai Lậy, nếu cơ quan chức năng chứng minh được 14 xe ô tô kia đi lại nhiều lần qua trạm là nhằm mục đích xấu, có ý đồ từ trước gây cản trở giao thông thì đó là hành vi vi phạm pháp luật".

Luật sư Kiên cho biết thêm, đó có thể được liệt vào hành vi gây rối trật tự công cộng và làm cản trở giao thông, các đối tượng sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Phân tích thêm về việc người dân trả phí bằng tiền lẻ mỗi lần đi qua trạm BOT Cai Lậy, Luật sư Kiên cho biết điều này không có gì là trái luật. Tuy nhiên, khi Cảnh sát giao thông đến yêu cầu tài xế chạy xe vào vị trí khác để đợi tiền thối nhằm tránh ùn tắc giao thông mà tài xế không thực hiện thì đó là hành vi vi phạm pháp luật giao thông nghiêm trọng.

Theo Điểm a Khoản 3 Điều 37 của Luật giao thông đường bộ 2008 thì CSGT hoàn toàn có quyền điều tiết giao thông và hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông.

Đồng thời, tại Điểm b Khoản 5 Điều 5 của Nghị định 46/2016 cũng quy định rõ: “Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô nếu không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông”.

Mặt khác, theo Điểm đ Khoản 4 Điều 5 của Nghị định 46/2016 thì hành vi dừng xe ô tô trái quy định mà gây ùn tắc giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.

Ngoài ra, nếu người nào tham gia giao thông mà có hành vi gây ùn tắc giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 của Bộ luật Hình sự 1999 ; mức phạt tối đa đối với tội danh này lên đến 10 năm tù giam.

Theo ghi nhận của lực lượng CSGT, từ 7h30 ngày 30/11 đến 18h ngày 3/12, có 14 xe ô tô ở những tỉnh khác nhau, (không phải ở các tỉnh, TP đồng bằng sông Cửu Long) chỉ chuyên chạy đi chạy lại qua trạm BOT Cai Lậy để gây rối.

Cụ thể, trong đó có 4 xe mang biển kiểm soát TP.HCM với các hành vi gây rối không di chuyển và đưa tiền lẻ, số lần gây tối từ 2- 4 lần. Một xe mang biển kiểm soát Đồng Nai hai lần đưa tiền lẻ và gây rối không chịu di chuyển. Ba xe ô tô mang biển kiểm soát Tiền Giang cũng với các hành vi trên, số lần gây rối là 2 lần.

Ngoài ra, CSGT còn ghi nhận 2 xe mang biển kiểm soát Cần Thơ, 2 xe mang biển kiểm soát Bạc Liêu, 1 xe ở Sóc Trăng và 1 xe ở Cà Mau.

Đặc biệt, các hoạt động gây rối được nghi có người cầm đầu và kích động. Có một nhóm tài xế gây rối chuyên tụ tập tại một điểm gần trạm thu phí rồi tập trung ăn nhậu, liên hoan “ăn mừng” sau mỗi lần gây rối khiến trạm thu Cai Lậy phải xả trạm.

Ngoài ra, còn có một bộ phận chuyên đi thu gom tiền lẻ để cung cấp cho các tài xế có hành vi cố tình gây rối, cản trở việc thu giá BOT.

Xuân Tùng


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến