Dòng sự kiện:
Cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ
01/04/2019 08:52:33
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, những thách thức, áp lực đặt ra với các DN bán lẻ Việt cũng ngày thêm chất chồng...

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển khá mạnh khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng trưởng nhanh.

Cơ hội thênh thang

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsel: Tại khu vực châu Á, thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi như thu nhập bình quân đầu người đang tăng, kinh tế vĩ mô đang đà phát triển và việc ký kết những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)... Tất cả những điều kiện thuận lợi trên đã, đang và sẽ mang lại những điểm sáng nhất định cho kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.

Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng nêu rõ: Thị trường sẽ sôi động, đa dạng hơn rất nhiều vì một số mặt hàng được NK nhiều hơn do xóa bỏ rào cản về thuế. Điển hình, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là cơ hội lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn từ ASEAN, bởi từ năm 2018, thuế suất NK của hầu hết các mặt hàng đều giảm mạnh. Bên cạnh đó, tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP chính là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao; từ đó cơ cấu lại thị trường XNK theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa vào thị trường Trung Quốc và Đông Á.

Trên thực tế, thời gian gần đây thị trường bán lẻ Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ khi chứng kiến làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục "đổ" vào ngành bán lẻ. Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. DN ngoại hiện có nhiều phân khúc nhất tại thị trường bán lẻ Việt Nam là Tập đoàn Central Group từ Thái Lan với việc mua lại hệ thống siêu thị BigC, siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Ngoài ra, Central Group còn mở trung tâm mua sắm Robins, cửa hàng chuyên đồ thể thao Supersports tại Việt Nam. Một tên tuổi khác dù đến sau nhưng cũng nhanh chóng ghi dấu ấn là Aeon (Nhật Bản) với việc đầu tư 3 trung tâm mua sắm phức hợp Aeon Mall và phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi thông qua việc mua lại thương hiệu Citimart. Tập đoàn đến từ Hàn Quốc là Lotte cũng đang được hiện diện ở phân khúc siêu thị với hệ thống Lotte Mart và kênh mua sắm trực tuyến là lottedatviet.vn. Gần đây, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp là Auchan cũng tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam bằng việc triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại thị trường miền Bắc. Theo kế hoạch đến năm 2020, Auchan sẽ phủ kín khu vực phía Bắc với 20 siêu thị. Những điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt.

Thách thức chất chồng

Bà Lê Việt Nga-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Hiện tại, thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị/trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình. Điểm đáng chú ý là: "Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa", bà Nga nói.

Nhiều chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh hội nhập sâu, thách thức lớn nhất đặt ra chính là áp lực cạnh tranh của các DN bán lẻ nội địa. Các DN bán lẻ của Việt Nam (nhất là các nhà bán lẻ nhỏ và vừa hiện đang chiếm trên 90% số lượng nhà bán lẻ) phải cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới và khu vực đang thâm nhập rất mạnh thị trường Việt Nam. Thực tế, các nhà bán lẻ trong nước thiếu thốn từ vốn, con người, trang thiết bị và thông tin để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia (MNC) và xuyên quốc gia (TNC). Ở chiều ngược lại, các DN nước ngoài với lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý và hệ thống hoạt động đã được kiểm chứng qua nhiều thị trường khác nhau, chỉ thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng bán lẻ - kênh phân phối đưa sản phẩm đa dạng của DN đến với người tiêu dùng Việt Nam. Chính vì thế, cách nhanh nhất để các DN này thâm nhập vào thị trường Việt Nam chính là các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A).

Khó khăn, thách thức được chỉ ra còn là sự thiếu hụt về đội ngũ các nhà quản lý, điều hành chuyên nghiệp tại các cơ sở kinh doanh truyền thống và hiện đại, ảnh hưởng tới độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam. Ngoài ra, hiện vẫn còn nhiều lo ngại về hiện tượng báo lỗ để chuyển giá, trốn thuế như đã từng xảy ra, cần có sự kiểm toán, thanh tra làm rõ các trường hợp DN bán lẻ báo lỗ...

Cần môi trường cạnh tranh bình đẳng

Nhìn nhận từ góc độ DN, chấp nhận sự cạnh tranh, đại diện Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) nêu quan điểm: Cạnh tranh giữa các DN, các kênh bán hàng đều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong cuộc đua bán lẻ, giữa trong nước và ngoài nước, giữa kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại. Nhà nước nên xây dựng các chính sách hỗ trợ các DN trong nước để phát triển thương hiệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; đồng thời để các DN có điều kiện tiếp cận với các mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi với cơ chế hợp lý. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cũng cần tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối để hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường; tăng cường công tác truyền thông đến người tiêu dùng nhằm ủng hộ các sản phẩm hàng hóa do các DN trong nước sản xuất và tiêu thụ.

Xung quanh vấn đề phát triển ngành bán lẻ Việt Nam, Ths. Vũ Thị Hồng Phượng-Trường Đại học Thương mại cũng cho rằng: Việc đưa ra các chính sách ưu đãi là cần thiết để thu hút đầu tư nước ngoài, song cần ưu tiên DN nội (nếu không vi phạm các cam kết quốc tế), ưu đãi trước hết đối với trường hợp tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa mang lại lợi ích cho quốc gia vừa đảm bảo lợi ích của DN trong nước. Về vấn đề cụ thể, theo bà Phượng: "Hiện nay, các DN bán lẻ ngoại đang có ưu thế trong việc đề xuất vị trí mặt bằng do đó cần tạo điều kiện thuận lợi hoặc công bằng giữa DN trong và ngoài nước trong việc tiếp cận địa điểm kinh doanh. Để bảo vệ và phát triển các DN bán lẻ trong nước, Việt Nam cần tận dụng triệt để quyền kiểm tra nhu cầu kinh tế (khi còn có thể) thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý, làm rõ tiêu chí mở điểm bán lẻ thứ hai trở để tránh nguy cơ thị trường bị các DN ngoại lấn sân, thôn tính".

Ngoài ra, một số chuyên gia nhìn nhận: Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các DN bán lẻ trong nước về chính sách vĩ mô, liên quan đến những mặt còn yếu của DN để rút ngắn khoảng cách với các DN ngoại như: Đào tạo đội ngũ quản lý và kỹ năng bán hàng; phát triển hệ thống logistic; hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu; thông tin thị trường và nguồn hàng; tư vấn pháp lý trong việc liên kết các DN bán lẻ hoặc với nhà sản xuất, nhà phân phối...

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh. Giai đoạn từ 2015 đến 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5-10,9%. Trong khi đó, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017. Đây là mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50). Dự báo, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philipines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...).

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến