Dòng sự kiện:
Chậm bàn giao vốn nhà nước cho SCIC: Chuyện cũ vẫn mới!
19/09/2018 15:14:53
Chậm trễ bàn giao vốn nhà nước về SCIC là chuyện không mới. Tuy nhiên, việc chuyển giao không chỉ trách nhiệm của SCIC mà là trách nhiệm của cả nền kinh tế.

Vẫn đang chậm chuyển giao vốn nhà nước cho SCIC

Thông tư, quyết định, các văn bản thông báo chỉ đạo đều có đầy đủ và là căn cứ pháp lý để thực hiện việc chuyển giao vốn nhà nước về SCIC, nhưng con số doanh nghiệp chậm bàn giao vẫn cứ được nhắc đi nhắc lại trong các cuộc họp của Chính phủ. Hiện nay, có 35 doanh nghiệp chưa được chuyển giao về SCIC đang được quản lý ở 4 bộ là Bộ Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giao thông Vận tải và 8 địa phương là Bà rịa - Vũng Tàu, Cao Bằng, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ngãi và Quảng Ninh.

Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 9/8/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm nêu rõ: Một số bộ, ngành, địa phương chậm triển khai, triển khai chưa có kết quả, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa thực hiện nghiêm túc, quyết liệt việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC.

Lộ trình thoái vốn nhà nước tiếp theo tại các doanh nghiệp trên cũng được giao cho SCIC. Theo số liệu có được, đến nay, sau 1 năm Quyết định 1232 được ban hành, tính đến cuối tháng 8 vừa qua mới có 27 doanh nghiệp được bàn giao về SCIC, bao gồm cả 2 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông bàn giao hôm 31/8/2018. 

Vướng mắc lớn nhất khiến cho quá trình chuyển giao vốn nhà nước chậm trễ là các doanh nghiệp chưa hoàn thành việc quyết toán vốn lần 2 trước khi chuyển về SCIC.  Ở một vài doanh nghiệp thì Bộ và UBND tỉnh chưa xử lý dứt điểm các tồn tại trước khi bàn giao về SCIC, hoặc có doanh nghiệp SCIC chưa nhận được hồ sơ đầy đủ để rà soát…

Chính vì vậy, mong muốn thúc đẩy việc chuyển giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng SCIC dường như đang "lực bất tòng tâm". 

Ảnh minh hoạ

Nguyên nhân do đâu? 

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, việc chuyển giao không chỉ trách nhiệm của SCIC mà là trách nhiệm của cả nền kinh tế. Nhìn nhận câu chuyện chậm chuyển giao, theo ông Tiến, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một nhóm người trong nền kinh tế. Cả cơ quan quản lý và số đông người dân đều thấy được rằng, đúng là phải đưa về SCIC để tách vấn đề quản lý nhà nước và quản trị của doanh nghiệp và đại diện chủ sở hữu. Việc chậm chuyển giao khiến nguồn lực nhà nước không tập trung, vẫn bị phân tán và sử dụng kém hiệu quả như lâu nay. Chẳng hạn như với Tập đoàn Dệt may, theo lãnh đạo SCIC cho biết mọi thủ tục về chuyển giao đã xong và chính Tập đoàn này cũng muốn nhanh chóng được chuyển giao về SCIC, nhưng cơ quan chủ quản chưa hoàn tất các công việc cuối cùng.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cũng nhìn thấy sự luyến tiếc của các các bộ, địa phương khi không muốn mất đi “chân rết”, công cụ của mình. Ông cho biết họ lấy lý do giữ doanh nghiệp lại để thực hiện công tác quản lý ngành, để phục vụ nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương...

Tuy nhiên, vướng mắc không chỉ từ phía cơ quan chủ quản. Ông Tiến cho rằng doanh nghiệp có tâm lý chờ để được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho… tương xứng, thay vì về SCIC cũng chỉ là doanh nghiệp, dù rằng, Ủy ban chỉ tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty lớn, kể cả SCIC. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước khác sẽ tiếp tục bàn giao về SCIC theo quy định của Chính phủ.

Không muốn chuyển giao, các doanh nghiệp còn rất nhiều lý do. Với Tổng công ty Thép, lý do trước đây đưa ra là chưa quyết toán cổ phần hóa, dù đơn vị này đã cổ phần hóa từ năm 2009. Khi Chính phủ quyết định giao về SCIC, SCIC và Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc quyết toán cổ phần hóa thì Tổng công ty lại cho rằng chờ cần có lộ trình để thoái vốn, thoái vốn xong sẽ chuyển giao...

Một số lãnh đạo doanh nghiệp đang tự chủ thì không muốn bị gò bó, bởi khi chuyển giao về SCIC là phải theo mô hình quản lý doanh nghiệp hiện đại, công khai minh bạch theo cơ chế thị trường nên họ không muốn…

Ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh, chậm chuyển giao doanh nghiệp về SCIC là không tốt cho xã hội, cho nền kinh tế và làm chậm quá trình phát triển. Chậm bàn giao là vấn đề của tái cơ cấu tổng thế chứ không phải của riêng SCIC. Nó cũng khiến cho việc tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý nhà nước bị chậm lại.

“Chậm chuyển giao là đi ngược lại với chủ trương lớn của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ. Chậm chuyển giao doanh nghiệp về SCIC là thoái vốn chậm, là nguồn lực nhà nước vẫn bị phân tán và sử dụng kém hiệu quả, là làm chậm quá trình thu hẹp phạm vi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để mở rộng dư địa, cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân”, ông Phùng Văn Hùng cho hay.

Việc doanh nghiệp cổ phần hóa xong bàn giao về SCIC là để Tổng công ty này với kinh nghiệm của mình sẽ củng cố lại, rà soát và lên lộ trình thoái vốn theo thị trường, đúng quy định của pháp luật. Qua đó, việc thoái vốn diễn ra công khai, minh bạch, gia tăng giá trị đồng vốn nhà nước.

Hơn nữa SCIC là một doanh nghiệp, việc SCIC làm thì Tổng công ty này phải chịu trách nhiệm. Nếu để các bộ, địa phương thoái vốn sẽ dễ lặp lại điệp khúc vướng mắc thì hỏi ý kiến các bộ quản lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính... Khó nữa thì lên hỏi xin ý kiến Thủ tướng... Như thế sẽ kéo thêm một khoảng thời gian mất thêm.

Từng trả lời tại cuộc họp giao ban 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp diễn ra mới đây do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì, Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi khẳng định, SCIC không từ chối những doanh nghiệp gặp vướng mắc khi cổ phần hoá nhưng kiến nghị cần chỉnh sửa các quy định về xử lý tài chính tại Thông tư 118. Hiện nay, Bộ Công Thương có nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng chậm quyết toán lần 2 để chuyển giao. “Quyết toán lần 2 được coi là kỹ thuật tài chính phức tạp nên các đơn vị này chưa chuyển giao về SCIC, nên không rõ đến bao giờ SCIC mới tiếp nhận được”.

Hoàng Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến