Dòng sự kiện:
Chính phủ yêu cầu: Tuyệt đối không được chủ quan, tập trung triển khai các nhiệm vụ,
12/09/2018 08:00:55
Ngày 09/9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018.

Đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội

Tại Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; cán cân thương mại thặng dư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, sản xuất công nghiệp và dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng tốt; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, cải cách thủ tục hành chính dược triển khai mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng; công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế thực hiện có hiêu quả; An ninh chính trị được giữ vũng, trật tự xã hội được duy trì ổn định.

Tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa cơ bản và giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng, cùng với yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ; mặt khác nền kinh tế nước ta hiện còn một số tồn tại và yếu tố tâm lý người dân trước những biến động trên thị trường quốc tế sẽ là các nhân tố có thể gây áp lực cho việc kiểm soát lạm phát trong thời gian tới. Ngoài ra, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường cũng có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Yêu cầu tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng

Trước những thuận lợi và khó khăn như trên, Chính phủ yêu cầu trong những tháng còn lại của năm 2018 các bộ, cơ quan, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, bám sát yêu cầu và tình hình thực tiễn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19-2018/NQ-CP, 35/NQ-CP gắn với đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, có giải pháp đối với các lĩnh vực còn dư địa, phối hợp điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt, hiệu quả, ứng phó tốt nhất với tác động bất lợi của kinh tế thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.

Ban chỉ đạo điều hành giá theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát các thủ tục liên quan đến đầu tư công, tập trung hoàn thiện các thủ tục giao hết số vốn còn lại chưa giao của kế hoạch đầu tư công năm 2018; rà soát tiến độ giải ngân của các dự án, nhất là các dự án ODA; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2018 tình hình giải ngân vốn đầu tư công của từng bộ, ngành, địa phương và đề xuất giải pháp cụ thể đẩy nhanh tốc độ giải ngân trong các tháng cuối năm…

Bộ Tài chính thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước từ khâu dự toán đến điều hành, thực hiện, quyết toán; tập trung chống thất thu thuế, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, phối hợp chặt chẽ với các địa phương quyết tâm hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước; điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, từng bước tạo ra những sản phẩm thương hiệu quốc gia, có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm của ngành để gia tăng năng lực sản xuất. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là với các đối tác thương mại lớn, đề xuất các giải pháp cụ thể để phát triển thương mại bền vững. Tích cực, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu….

Theo Ngân Hàng Nhà nước

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến