Dòng sự kiện:
Cho vay hệ sinh thái: Khả năng kiểm soát rủi ro tín dụng cao hơn
23/11/2018 17:18:48
Mô hình hệ sinh thái giúp ngân hàng quản lý dòng tiền tốt hơn vì nắm được các khâu ở chuỗi đó từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói tiêu dùng; đồng thời phục vụ được nhiều đối tượng tham gia chuỗi đó.

Nếu như trước đây ngân hàng chỉ cung cấp tín dụng đơn thuần hoặc chỉ cung cấp 1 dịch vụ cho khách hàng thì nay, một số ngân hàng áp dụng mô hình hệ sinh thái khá thành công.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc áp dụng mô hình hệ sinh thái khách hàng liên kết chuỗi giá trị đối với DN lớn là yếu tố chính dẫn đến sự phục hồi hoạt động kinh doanh của Techcombank trong vài năm trở lại đây.

BVSC đánh giá, ưu điểm của mô hình này là DN khó́ tách ra khỏi Techcombank khi toàn bộ các DN khác trong chuỗi đều đang sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Từ đó, ngân hàng có được nguồn thu từ phí dịch vụ, thu nhập ổn định trong khi rủi ro ở mức thấp. Nhờ áp dụng mô hình hệ sinh thái hiệu quả giúp tỷ trọng các khoản thu ngoài lãi của Techcombank đã tăng từ 11% năm 2012 lên 39% vào năm 2017 cao hơn hẳn tỷ lệ này bình quân ở nhóm ngân hàng niêm yết là 22%.


Không chỉ Techcombank, nhiều ngân hàng quy mô lớn cũng đã áp dụng mô hình hệ sinh thái. Có thể thấy những ưu điểm nổi trội từ mô hình kinh doanh này. Thứ nhất, giúp ngân hàng quản lý dòng tiền tốt hơn vì nắm được các khâu ở chuỗi đó từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói tiêu dùng… Hai là phục vụ được nhiều đối tượng tham gia chuỗi đó. Đặc biệt tạo ra sự gắn kết giữa các bên, thành viên trong chuỗi đó như gắn bên sản xuất với bên tiêu thụ, marketing… Như vậy, vừa giảm rủi ro cho phía ngân hàng, vừa gia tăng lợi ích cho khách hàng. “Ngân hàng có thể định hướng các DN vào các khoản vay ngắn hạn, vay tài trợ vốn lưu động giúp phân tán rủi ro đối với những khoản vay dài hạn”, một chuyên gia bổ sung thêm.

Một ưu điểm nữa không thể không nhắc tới là ngân hàng có được lượng vốn giá rẻ tương đối cạnh tranh do tiền trong chuỗi giá trị luôn ở lại trong ngân hàng.

Nhìn nhận sự phát triển của mô hình này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều nước phát triển đã áp dụng mô hình này từ khá lâu. Nhưng đối với Việt Nam mô hình này mới được quan tâm trong vài năm trở lại đây khi nền kinh tế phát triển ngày càng nhanh, hội nhập sâu rộng hơn. Theo đó nhu cầu liên kết, cộng sinh giữa DN với ngân hàng cũng tăng cao hơn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mới chỉ có vài ngân hàng áp dụng mô hình này một cách triệt để. Còn lại đa phần cho vay theo chuỗi giá trị vừa phải tuỳ thuộc vào quy mô hoạt động của từng ngân hàng.

Lý do mô hình kinh doanh này chưa phát triển mạnh được vị chuyên gia này đưa ra là cho vay cũng như hỗ trợ DN theo mô hình chuỗi liên kết cũng tiềm ẩn những rủi ro. Trong hệ sinh thái nhu cầu về tài chính đa dạng, có thể liên quan đến lĩnh vực các ngân hàng không chuyên như nông nghiệp, chế biến nông sản, nông phẩm… Bởi vậy, nhiều ngân hàng không dám cho vay lĩnh vực này vì đây là lĩnh vực “sở đoản” của họ.

Thực tế, khá ít ngân hàng có sự am hiểu, kỹ năng chuyên môn tốt đối với tất cả các ngành nghề trong nền kinh tế. Do đó, khi cung ứng dịch vụ tài chính nguy cơ phát sinh rủi ro đối với lĩnh vực không chuyên là hiện hữu. Hơn thế, chỉ có ngân hàng lớn mới có khả năng làm được việc bắt buộc toàn bộ các DN khác trong chuỗi đều đang sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, vì họ có khả năng tài chính, cũng như có nhiều dịch vụ đáp ứng yêu cầu.

“Ngân hàng nhỏ khi khó kiểm soát được quan hệ trong hệ sinh thái, dòng tiền của DN bị phân tán, ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra quan điểm về mô hình hệ sinh thái.

Khó khăn nữa đặt ra đối với các ngân hàng khi phát triển cho vay theo chuỗi được còn đến từ văn hóa kinh doanh khá rời rạc, không theo chuỗi ở Việt Nam ăn rất sâu. Mức độ liên kết gắn kết của DN với nhau khá lỏng lẻo, cung cấp đầy đủ dịch vụ trọn gói cho chuỗi đó cũng không phải là dễ vì các ngân hàng phải thiết kế sản phẩm dịch vụ khá tinh vi, linh hoạt do mỗi DN có nhu cầu khác nhau. Ngoài ra, độ minh bạch trong kinh doanh của DN còn kém.

Để hạn chế những rủi ro, giới chuyên môn khuyến nghị các ngân hàng nên tìm hiểu cặn kẽ với đối tác của mình để hiểu rõ nội tại của DN đó kinh doanh thế nào. Từ đó lên phương án hỗ trợ phù hợp cho DN kinh doanh hiệu quả đồng thời giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng. Việc không tập trung quá nhiều vào một lĩnh vực, một đối tác mà đa dạng nguồn thu, sản phẩm, dịch vụ… cũng là giải pháp để các ngân hàng hạn chế rủi ro có thể phát sinh khi cho vay theo chuỗi. Đối với cơ quan quản lý, một chuyên gia ngân hàng đề xuất, NHNN có thể hỗ trợ qua việc tạo ra một cơ chế, sân chơi để các ngân hàng - DN có điều kiện gặp gỡ, giao lưu nhiều hơn như tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng - DN tại các tỉnh thành…

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến