Dòng sự kiện:
Chưa hết lo với thu chi ngân sách
28/04/2019 15:37:38
Sau nhiều năm thâm hụt hoặc thặng dư ở mức rất thấp, cán cân ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt trạng thái thặng dư đến hơn 73 nghìn tỷ đồng trong quý I năm nay.

Biểu hiện tích cực này sẽ được duy trì trong những tháng còn lại của năm nay hay không?

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Chi trả nợ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn

Số liệu tổng hợp từ ngành thuế và hải quan cho thấy, tổng thu NSNN trong quý I năm nay là khoảng gần 389 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, chi NSNN trong quý I ước đạt 315,6 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi thường xuyên đạt 268,9 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán; chi đầu tư phát triển 46,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán.

Trạng thái thặng dư ngân sách quý I đã từng diễn ra trong năm 2017 và năm 2018 lần lượt ở mức 4 nghìn tỷ đồng và 18 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2016 trở về trước, cán cân tài khóa quý I của các năm thường ở trạng thái thâm hụt. Bên cạnh yếu tố thuận lợi từ các nguồn thu, một điểm đáng chú ý khiến cán cân ngân sách thặng dư là việc “bỏ chi trả nợ gốc ra khỏi tổng chi NSNN” theo Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực từ năm ngân sách 2017. Theo Kiểm toán Nhà nước, khoản chi trả nợ gốc năm 2019 là khoảng 197.000 tỷ đồng.

Nhận xét về xu hướng thu chi ngân sách trong thời gian gần đây, Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố nêu rõ, kết quả này nhất quán với diễn biến một vài quý trở lại đây khi tỷ trọng về chi thường xuyên có xu hướng giảm dần và tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển có xu hướng tăng lên. Dù vậy, quy mô chi đầu tư phát triển vẫn còn quá nhỏ. Trong khi đó, chi trả nợ lãi đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, bằng 11,4% chi thường xuyên và 9,7% tổng chi NSNN là những con số đáng chú ý.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc CIEM nhấn mạnh: “Rõ ràng, Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều để cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn vốn từ NSNN”.

Khó với tăng trưởng kinh tế và nợ đọng thuế

Những con số nêu trên cho thấy thực trạng tài khóa có dấu hiệu chuyển biến tích cực trong quý đầu năm nay. Dù vậy, điều kiện để duy trì thuận lợi như trên vẫn chưa chắc chắn trong những quý còn lại của năm, từ đó, gây áp lực cho công tác tài khóa cả năm.

Tăng trưởng kinh tế - yếu tố quan trọng nhất tác động đến thu NSNN - vẫn đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, những bất ổn về địa chính trị tại một số khu vực, giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp...

Về thu nội địa, tổng kết công tác quý I, Tổng cục Thuế cho biết, kết quả thu NSNN quý I/2019 đạt khá so với cùng kỳ nhiều năm qua nhưng một số khoản thu lớn và địa bàn trọng điểm thu còn chậm so với yêu cầu đề ra do công tác quản lý thu tại một số địa phương chưa quyết liệt, chưa có hiệu quả.

Mặt khác, Tổng cục Thuế cho biết, tình hình nợ đọng thuế trong quý I/2019 diễn biến phức tạp, nợ tiền thuế tăng ở một số địa phương.

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại địa phương còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ kế hoạch; chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra tại một số địa bàn chưa cao. Tính đến cuối quý I/2019, toàn quốc mới thực hiện đạt 9,28% kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo Quyết định số 133/QĐ-TCT.

Đáng chú ý, công tác chống thất thu đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hộ, cá nhân kinh doanh tại một số địa bàn còn chưa được triển khai quyết liệt, chưa phối hợp tốt với các cơ quan trên địa bàn để xác định đúng doanh số, áp dụng mức thuế khoán đối với các hộ, cá nhân kinh doanh chưa phù hợp với thực tế. Do đó, số thu đối với khu vực cá nhân kinh doanh, DNNVV chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.

Về thu từ xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, số thu này trong quý I tăng 21,13% chủ yếu nhờ ô tô và dầu thô nhập khẩu. Số thu từ 2 mặt hàng này trong 3 tháng đầu năm đạt 13.665 tỷ đồng, tăng 12.396 tỷ đồng (tương đương tăng 977,68%) so với cùng kỳ năm trước nhờ gỡ vướng nhập khẩu ô tô và thuận lợi từ nhập khẩu dầu thô. Đây lại là hai nguồn thu không ổn định và thiếu bền vững.

Bình luận về những thách thức với thu chi ngân sách trong thời gian tới, PGS.TS. Ngô Trí Long nói: “Thu ngân sách năm nào cũng vượt dự toán nên năm nay chắc cũng sẽ vậy. Tuy nhiên, thực trạng thu ngân sách những tháng còn lại của năm nay không hẳn là dễ dàng trước các áp lực từ tăng trưởng giảm tốc, thất thu thuế và nợ đọng thuế còn lớn, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do sẽ gây khó cho nguồn thu xuất nhập khẩu”.

Với những trở ngại nêu trên, theo ông Long, cách căn cơ nhất là tiếp tục cải thiện nguồn thu nội địa bằng việc mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế và kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản chi NSNN. “Nếu không siết chặt kỷ luật chi ngân sách thì mọi nỗ lực tăng thu cũng không thể bù đắp được”, ông Long nhấn mạnh.

Theo báo Đấu thầu

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến