Dòng sự kiện:
Chuyến đò Xuân Sơn và câu chuyện nữ Đảng viên mất 1 tay liều mình giữ con trong bụng
27/07/2017 20:33:28
Chiến tranh đi qua để lại nhiều vết thương, trở thành những miền ký ức ẩn sâu trong tâm khảm nhiều người dân Việt Nam. Và ký ức thuở chinh chiến ấy cứ âm ỉ trong trái tim của một người phụ nữ...

Tất cả sự đau đớn, mất mát hiện rõ từng nét trong lời kể, trên khuôn mặt của người mẹ mất đi một cánh tay lúc đang mang thai ở tháng thứ bảy.

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm về để nghe cụ bà Lưu Thị Phương (91 tuổi) ở thôn 8, Hạ Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình kể về câu chuyện xảy ra với mình 65 năm trước. Quá khứ ùa về, đôi mắt mờ ẩn sau chiếc kính đen vẫn không thể che được những dòng nước mắt của cụ.

Chuyến đò định mệnh

Cụ Phương kể: Giữa năm 1954, chuyến đò đưa người dân đi đóng thuế ở bến Xuân Sơn (Quảng Bình) đã bị chìm ngay giữa dòng sông Son bởi đạn bom của giặc Mỹ. Chúng bắn trúng hai chiếc đò chở hơn 20 người từ miền xuôi lên đóng thuế. Khi nghe tiếng máy bay tới sát, những người đàn ông trên đò nhảy xuống rào, để lại ba người phụ nữ cuống cuồng tìm lối thoát giữa chiến trường loạn lạc.

Sau phát súng của giặc, một chiếc đò chìm hẳn còn một chiếc cạnh bờ mới ngập một nửa. Trên chuyến đò kia, ít ai biết có một người phụ nữ đang mang thai 7 tháng. Bà đang cố gắng giữ lại tính mạng của mình để sinh đứa con trong bụng…

Chuyến đò Xuân Sơn năm ấy chỉ còn vài người sống. Lúc tỉnh lại giữa cơn bão bom, cụ chỉ thấy nước, máu và thóc. Người phụ nữ 27 tuổi sắp đến kỳ sinh nở đã nghĩ đến cái chết, ngay khi biết cánh tay trái của mình không còn. Bởi bà lo rằng, những ngày tháng tiếp theo không biết sẽ sống như thế nào với cơ thể chỉ còn một cánh tay.

Nhưng, tình mẫu tử đã không cho phép cụ trốn thoát khỏi hiện tại. Nghĩ về đứa con đang lớn dần trong cơ thể, trong cụ lại ánh lên niềm tin. Cụ biết mình và con sẽ sống!

Cố thoát khỏi chiếc đò đang dần ngập sâu, bà đỡ cánh tay sắp rơi của mình. Người đi gánh nước bên đường thương xót nhưng chẳng ai dám giúp đỡ khi nhìn cảnh tượng đầy ghê rợn.

Mất cả một buổi sáng để tìm đường vào trạm xá, cụ đến nơi khi cơ thể gần như đã nhũn. Tình trạng vô cùng nguy cấp nhưng cụ vẫn chưa được chữa ngay, bởi máy bay bắt đầu áp sát trạm. Nằm trên chiếc băng ca ở hành lang bệnh xá theo lời chỉ dẫn của cô y sĩ, cụ bắt đầu thấy đau ở vết thương, cái thai cũng dần khó chịu. Thi thoảng, cụ nghĩ đứa con đã chết ở trong.

Giặc Mỹ di chuyển địa điểm bắn khỏi trạm cũng là lúc cụ bắt đầu được đưa vào chữa trị. Cô y sĩ cắt bỏ hoàn toàn cánh tay trái cũng là lúc cụ chìm vào những cơn mê sảng, sốt cao…

Cụ bà Lưu Thị Phương.

Câu chuyện đứt đoạn. Thân mình gầy gò của cụ trở nên run rẩy. Dường như bao nhiêu nỗi sợ hãi của quá khứ lại ùa về với cụ.

“Đây là cháu muốn kể nên cụ mới kể, chứ bình thường cụ không kể vì sợ lắm, đau lắm…”, cụ nói.

Tôi lặng người. Chỉ nghe kể thôi tôi đã thấy sự đau đớn vô tận. Nói gì đến người đã trực tiếp trải qua nó. Cụ ho lên vài tiếng như để xóa đi bầu không khí nặng trĩu lúc này, rồi tiếp tục câu chuyện.

Tỉnh dậy sau cơn mê, cụ không tin đó là sự thật. Máu vẫn chảy, những hạt thóc lỡ vào vết thương cứ thế nhú mầm xung quanh. Một mình giành giật lại sự sống cho bản thân và đứa con chưa chào đời. Đó là những ngày thực sự khủng khiếp đối với cụ.

Chồng đang ở chiến trường, chưa rõ sống hay chết. Lá thư nhờ người viết hộ gửi ra mặt trận mãi không có hồi âm. Trong cơn đau đớn, chỉ nghĩ đến chồng, nghĩ đến bản thân và đứa con nhỏ chưa chào đời, nước mắt cụ ứa ra không dứt.

Phép màu kỳ diệu đến từ niềm tin bất diệt

Nhìn cụ quằn quại trong cơn đau, những người xung quanh ai cũng nói cụ chỉ sống được thêm 3 đến 7 ngày nữa. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã đến. Sự nỗ lực và niềm tin bất diệt của một người mẹ, một nữ Đảng viên thời chiến trận đã giúp cụ vượt qua cõi chết, chiến thắng tử thần để trở về với cuộc sống.

Sau gần 2 tháng, lúc vết thương không còn chảy máu cũng là thời điểm con trai đầu lòng của bà chào đời. Cụ kể lại mà gương mặt rạng rỡ nở một nụ cười. Dường như, đó cũng là giây phút hạnh phúc đã từng diễn ra 66 năm trước.

Không lâu sau sinh, bức thư ngày nào của bà đã được đưa tận tay đến tay người chồng ngoài mặt trận. Ông ghé về thăm nhà giữa lúc rời quân lên biên giới Việt - Lào. Giây phút đoàn tụ gia đình ngắn ngủi đó cũng là lúc bà thấy bình yên nhất sau cơn bão bom của giặc.

Đứa trẻ chào đời như một điều kỳ diệu. Song, do khi bị thương cụ mất máu quá nhiều nên con trai cụ rất yếu. Cậu bé không thể ngồi dù đã gần hai tuổi. Cùng lúc đó, bé đổ bệnh và qua đời. Chồng không ở bên, một mình cụ lần nữa gánh nỗi đau mất con.

Giờ đây, khi vết thương đã lành hơn nửa thế kỷ nhưng nỗi đau ấy chưa thể nguôi. Trong những ngày tháng cuối của cuộc đời, ký ức ấy vẫn hiện về hàng đêm. Nghĩ về nó, bà lại bật khóc đôi mắt cứ dần mờ đi…

Cụ bà Lưu Thị Phương (92 tuổi) tham gia hoạt động ở xưởng dệt Ba Tâm từ những ngày còn là thiếu nữ. Đến năm 1949, bà được kết nạp Đảng tại đơn vị.

Năm 1950, cụ được cho đi học trường Đảng Lê Hồng Phong, sau đó trở về làm quản lý của một đơn vị thời chiến. Tuy nhiên, sau khi mất một cánh tay, không thể tham gia các hoạt động khác nên cụ trở về nhà chăm sóc gia đình và xin ra khỏi Đảng. Do mọi giấy tờ đều bị thất lạc nên hiện nay cụ không nhận được chế độ trợ cấp nào.

Song Trà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến