Dòng sự kiện:
Chuyện người phụ nữ chợ Bãi Đá bị bạo hành: 20 sạp hàng chở đầy nước mắt
16/11/2017 07:20:33
Triển lãm "Bên kia mắt bão" trưng bày những bức ảnh của chính những người phụ nữ từng bị bạo hành ghi lại khoảnh khắc cuộc đời họ và những câu chuyện chưa từng được tiết lộ.

Những khoảnh khắc cuộc sống vui, buồn, hạnh phúc, đau thương... được ghi lại bởi 20 người phụ nữ, nạn nhân của bạo hành gia đình, hàng ngày lam lũ, tần tảo với những gánh hàng rau, cá tại chợ Bãi Đá (Sơn Tây, Hà Nội). Đặc biệt hơn nữa họ là những người chưa từng biết đến máy ảnh là gì.

Đó là nội dung cuộc triển lãm “Bên Kia Mắt Bão” - là một trưng bày nghệ thuật đương đại mang đậm tính nhân văn được CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đại sứ quán Hà Lan, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc và 2 nghệ sỹ đương đại Bình Đặng và Duy Ly phối hợp thực hiện. Triển lãm diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20/11.

Với sự kết hợp giữa photo voice, ánh sáng và tre, buổi triển lãm đã tái hiện một phiên chợ - nơi có 20 sạp hàng chở đầy nước mắt và hy vọng, chứa đầy hạnh phúc và đắng cay.

Tái hiện phiên chợ của những cung bậc cảm xúc

Chợ Bãi Đá - một chợ quê truyền thống nằm ven quốc lộ 21, từ Hòa Lạc đi Sơn Tây được chọn làm trung tâm của dự án. Tại chợ, đã có một tủ thông tin tài liệu về bình đẳng giới, bạo lực giới. Những câu chuyện bạo lực trước nay được chia sẻ thì thầm với những lời động viên kiểu “thôi số nó thế, cố mà chịu đựng” thì nay dần được nói to hơn với sự chỉ dẫn của các chuyên gia CSAGA.

Trong rừng người tham quan triển lãm, chúng tôi tìm gặp những người phụ nữ đến từ chợ Bãi Đá, những nhiếp ảnh gia không chuyên để lắng nghe câu chuyện cuộc đời của họ. Họ mặc những bộ váy áo có lẽ là đẹp nhất trong đời nhưng cũng không thể che lấp đi được những nét chân quê.

Đó là câu chuyện của chị Hà Thị Đào: “Lúc nhỏ, bố mẹ tôi rất nghèo. Lớn lên lấy chồng thì khổ vô cùng. Chồng tôi suốt ngày say xỉn, đập phá đồ đạc trong nhà. Đã vậy, ông ấy còn mắc bệnh hiểm nghèo, tôi vừa chăm chồng, vừa bươn trải nuôi các con ăn học. Đến bây giờ, tôi tự hào về các con của mình. Cuộc sống bây giờ đã tạm ổn. Tuy rằng chưa được sung túc như bao người, tôi vẫn phải vất vả, đi chợ sớm hôm, nhưng tôi vẫn thấy vui và hài lòng”.

Những bức ảnh được trưng bày tại triển lãm

Còn chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ: “Đây là bức ảnh tôi chụp con trai lúc nó 2 tuổi, cũng là năm chồng tôi mất vì tai nạn. Hai vợ chồng đã có quãng thời gian hạnh phúc bên nhau. Anh ấy đột ngột ra đi khiến cuộc sống của tôi chóng vánh. Mặc dù có gia đình hai bên, các em và các bạn bên cạnh nhưng tôi vẫn cảm thấy tổn thương quá lớn. Nhiều lúc tôi nghĩ mình gục ngã vì mất mát ấy. Nhưng nhìn con tôi cố gắng nén những đau thương đó để làm chỗ dựa cho con.

Công việc của tôi là bán cá ở chợ Bãi Đá. Sau bao nhiêu năm bây giờ con trai tôi đã lớn, năm nay cháu 17 tuổi rồi. Tôi rất lo lắng và quan tâm đến tương lai của con. Tôi sẽ cố gắng giúp con đạt được những điều con mong muốn”.

Một khách tham quan chăm chú ngắm nhìn những bức ảnh đặc biệt

Chị Đỗ Thị Lợi tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình gồm 5 anh chị em. Bố mẹ tôi làm nông, gia đình vất vả nên chị em tôi phải nghỉ học sớm để phụ giúp bố mẹ. Cuộc sống êm đềm hạnh phúc rồi tới ngày chị em tôi dần trưởng thành và lập gia đình.

Riêng gia đình bé nhỏ của tôi, tưởng chừng có lúc sẽ tan vỡ vì không thể tìm được tiếng nói chung giữa hai vợ chồng. Chồng tôi hơn tôi 2 tuổi, anh là một người đàn ông trầm tính, nhu nhược, không biết quan tâm đến gia đình mặc dù chúng tôi có tới 3 đứa con. Kinh tế gia đình khó khăn mà anh ấy không chịu làm ăn, chỉ ham chơi, đua đòi, cờ bạc, rượu chè…

Cho tới một ngày mùa xuân năm 2014, tôi đã nghiêm túc nói chuyện với chồng về sự mệt mỏi của tôi trong suốt những tháng ngày làm vợ anh. Tôi rất mệt khi phải gồng gánh vun đắp gia đình còn anh thì không hề có một chút trách nhiệm nào. Tôi đưa ra lời chia tay để giải thoát mọi đau khổ mà tôi phải ấm ức chịu đựng. Anh chỉ im lặng. Nói xong tôi bế con về nhà mẹ.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về quyết định này, chị em tôi cũng khuyên răn hãy tha thứ để con cái được hạnh phúc trọn vẹn có cả bố và mẹ. Sau nhiều lần chồng tôi xin lỗi, tôi cũng đồng ý cho anh một cơ hội. Khi đứng trước sự lựa chọn một mất một còn, anh cũng kịp nhận ra giá trị của gia đình.

Kể từ ngày đó anh thay đổi rõ rệt qua cách thể hiện hành động với các con, anh chị em trong gia đình. Anh chăm chỉ làm việc, ngọt ngào với vợ con hơn đặc biệt anh rất quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của tôi. Bây giờ tôi cũng đã có một người chồng quan tâm và yêu thương vợ con”.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến