Cổ đông Agriseco: Nếu không có khả năng hoạt động thì giải thể!
04/07/2016 18:36:47
ANTT.VN – “Hiện chưa xác định được “đáy” của công ty ở đâu. Năm 2016 lỗ, năm 2017 chưa biết trước do khoản trái phiếu Vinashin đến hạn, lúc đó mới biết lỗ hay không, HĐQT sẽ xây dựng đề án tái cơ cấu đến năm 2018 và sẽ trình bày rõ”.

Tin liên quan

Đó là lời trần tình của đại diện CTCP Chứng khoán Nông nghiệp (Agriseco) – đứa con cưng trong lĩnh vực chứng khoán của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Agribank tại ĐHĐCĐ mới được tổ chức cuối tuần trước.

Cổ đông nhỏ lẻ bức xúc về hoạt động kinh doanh bết bát của Agriseco

“Nếu không có khả năng hoạt động thì nên giải thể”

“Vật lộn” với những khó khăn trong năm 2015, đặc biệt chịu thiệt hại nghiêm trọng của thương vụ “mua ngân hàng GPBank với giá 0 đồng” của Ngân hàng Nhà nước, Agriseco đã phải trích lập dự phòng 240 tỷ đồng và ngậm ngùi báo lỗ gần 200 tỷ.

Về khoản trích lập dự phòng cho khoản lỗ tại GPBank, đại diện công ty cho biết chỉ có cơ quan điều tra, cơ quan Tòa án mới kết luận được trách nhiệm của Đơn vị, cá nhân liên quan. Agriseco đang phối hợp với các cơ quan trên để tìm cách thu hồi, khắc phục xử lý.

Bước sang năm 2016, Agriseco thông qua kế hoạch doanh thu “khiêm tốn” ở mức 116,89 tỷ đồng – giảm 30% so với thực hiện năm 2015. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng cho các khoản đầu tư cũng sẽ lên tới 235 tỷ đồng và các cổ đông có thể kỳ vọng mức lỗ dự kiến là gần 220 tỷ.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng dự kiến lỗ 220 tỷ trong năm nay do HĐQT đưa ra vẫn còn vẫn còn khá lạc quan trước tình hình khốn đốn mà doanh nghiệp này đang gặp phải. Chỉ trong quý đầu năm, Agriseco cũng đã hoàn thành tới phân nửa kể hoạch lỗ kể trên khi báo cáo gần đây nhất, lợi nhuận quý I/2016 ghi nhận âm 111,5 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên 268 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2016, một cổ đông bức xúc: “Năm 2010, hoạt động của công ty đi đầu, thị trường ban đầu có 413 công ty niêm yết, đến nay là 1013 công ty niêm yết. Tuy nhiên, đến nay Công ty có vốn điều lệ lớn thứ hai trong số các CTCK mà hiện tại lỗ lớn, trích lập dự phòng lớn. Nguyên nhân do đâu? Nếu không có khả năng hoạt động thì nên giải thể”.

Đại diện Agriseco không đưa ra lời biện hộ nào về tình hình hoạt động bết bát của doanh nghiệp, ông cho biết: Về hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016, nếu lỗ, HĐQT và Ban lãnh đạo sẽ chịu trách nhiệm trước cổ đông.

“Từ năm 2014 trở lại đây, không phát sinh vấn đề nào để gây ra khoản lỗ lớn, các phát sinh đều từ năm 2014 trở về trước”.

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết “Hiện chưa xác định được “đáy” của công ty ở đâu. Năm 2016 lỗ, năm 2017 chưa biết trước do khoản trái phiếu Vinashin đến hạn, lúc đó mới biết lỗ hay không, HĐQT sẽ xây dựng đề án tái cơ cấu đến năm 2018 và sẽ trình bày rõ. Dự kiến từ năm 2018 Công ty mới có lãi”.

Kinh doanh bết bát vẫn dư 500 tỷ gửi “mẹ”

Mặc dù kinh doanh thu lỗ và chi phí tài chính hàng năm rất lớn nhưng đến cuối tháng 3/2016, Agriseco vẫn có “dư” 500 tỷ đồng gửi tại ngân hàng Agribank – đơn vị đang sở hữu hơn 75% vốn của Agriseco. Về vấn đề này, Agriseco cho biết: “Pháp luật chỉ cấm hoạt động đầu tư chéo còn hoạt động gửi tiền thì không khống chế. Khoản tiền gửi tại Agribank là không vướng mắc so với quy định pháp luật”.

Cổ đông tham dự đại hội lần này cũng đặt câu hỏi về hiệu quả điều hành của Ban lãnh đạo, chất lượng nhân sự mặc dù đã thực hiện “thay máu” hàng loạt chức vụ thời gian qua nhưng thực trạng kinh doanh vẫn không khởi sắc.

Trong năm 2015, Agriseco đã tiến hành thay Tổng giám đốc, miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT, bầu bổ sung 3 thành viên và bổ nhiệm 3 giám đốc Chi nhánh. Đối với các phòng giao dịch mới được HĐQT quyết định đóng cửa gần đây như PGD Nguyễn Du và PGD Nguyễn Thị Minh Khai, đó là những PGD hoạt động không hiệu quả, chi phí thuê mặt bằng cao. Thời gian tới Công ty sẽ sắp xếp lại mô hình tổ chức và xem xét mở mới các PGD để kinh doanh hiệu quả hơn.

Án phạt của UBCKNN, ai chịu trách nhiệm?

Với số vốn 2.120 tỷ đồng – Agriseco hiện đang là công ty chứng khoán sở hữu vốn điều lệ top đầu thị trường, việc kinh doanh thua lỗ có thể “đổ tội” cho những khoản đầu tư trong quá khứ gây hậu quả nghiêm trọng hiện nay, nhưng trong chính lĩnh vực hoạt động chính của mình, Agriseco cũng dính nhiều “phốt” về vi phạm các quy định của UBCKNN.

Cụ thể, hồi đầu tháng 4/2016, Agriseco bị xử phạt 60 triệu đồng khi bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, mà theo quy định pháp luật là không được phép.

Tiếp đó lần lượt là các vi phạm về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán, bị xử phạt 125 triệu đồng; bị xử phạt 85 triệu đồng do không thiết lập, duy trì hệ thống kiểm toán nội bộ theo quy định pháp luật; báo cáo không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, bị xử phạt 60 triệu đồng.

Tổng mức tiền phạt cho những vi phạm trên là 330 triệu đồng. Các cổ đông cho rằng khoản phạt đó thuộc trách nhiệm cá nhân vi phạm và đề nghị các cá nhân đó phải bồi thường cho công ty.

Tuy nhiên, hiện Công ty chưa có các quy định cụ thể về việc này nên không thể quy trách nhiệm cho các án phạt trên.

Hiểu Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến