Dòng sự kiện:
Cơ hội huy động vốn quốc tế
16/07/2019 10:01:58
Có lẽ thông tin gây được nhiều sự quan tâm chú ý nhất trên thị trường tài chính tuần qua đó là việc VPBank huy động thành công 300 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu quốc tế kỳ hạn 3 năm

Ảnh minh hoạ

Nhà băng này cho biết, trái phiếu có lãi suất danh nghĩa 6,25% và được phân phối cho các nhà đầu tư châu Á và châu Âu, với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%. Mục đích phát hành trái phiếu của NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhằm tăng quy mô nguồn vốn, đa dạng hóa nguồn huy động vốn trung dài hạn để phục vụ cho các hoạt động cho vay trung dài hạn, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật.

Mặc dù VPBank không phải là ngân hàng đầu tiên huy động vốn thành công trên thị trường quốc tế, tuy nhiên điều khiến thị trường chú ý chính là ở chỗ đây là lượng trái phiếu quốc tế lớn nhất lần đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trên thị trường quốc tế từ trước đến nay.

Trong khi theo thông tin mà nhà băng này phát đi, các nhà đầu tư đã đăng ký mua với tổng nhu cầu gấp 3 lần lượng trái phiếu VPBank phát hành đợt này. Điều đó đã phần nào cho thấy sức hấp dẫn trái phiếu của VPBank. Sức hấp dẫn đó còn được thể hiện qua việc lãi suất trái phiếu 6,25% cũng là mức thấp nhất cho tổ chức tư nhân phát hành từ Việt Nam từng đạt được khi phát hành trái phiếu quốc tế không chuyển đổi, không có bảo đảm.

Còn nhớ hồi cuối tháng 5/2012, NHTMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã ghi dấu ấn là định chế tài chính đầu tiên của Việt Nam phát hành thành công huy động thành công 250 triệu USD trái phiếu quốc tế không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm với kỳ hạn 5 năm. Tuy nhiên dù nằm trong nhóm Big Four của hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng thời điểm đó VietinBank cũng phải trả lãi suất coupon lên tới 8%/năm.

Một điểm đáng chú ý nữa là, theo VPBank, khác với việc phát hành 1 lần của 1 số tổ chức trước đây, đợt phát hành này là lần huy động vốn đầu tiên trong Chương trình phát hành nhiều lần theo tiêu chuẩn quốc tế (Eurobond Medium Term Note - EMTN) của VPBank trong 12 tháng tới với giá trị tối đa 1 tỷ USD.

“Việc tham gia thị trường theo EMTN thể hiện cam kết của VPBank trong việc tham gia sân chơi quốc tế và giúp ngân hàng linh hoạt, chủ động hơn trong việc phát hành các đợt tiếp theo trên cơ sở điều kiện thuận lợi của thị trường cũng như nhu cầu của chính đơn vị phát hành. Các nhà đầu tư đã đánh giá cao việc VPBank tham gia chương trình EMTN lần này”, VPBank cho biết.

Có thể khẳng định việc gọi vốn quốc tế thông qua phát hành trái phiếu là giải pháp đang được hầu hết các ngân hàng tính tới nhằm bổ sung vốn cấp 2 để có thể đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn vốn theo chuẩn Basel 2 mà theo lộ trình sẽ được chính thức áp dụng từ 1/1/2020. Bên cạnh đó, nó còn là một bổ sung quan trọng cho nguồn vốn trung - dài hạn của các nhà băng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nguồn vốn này của nền kinh tế khi mà NHNN đang dự kiến sẽ giảm tiếp tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về còn 30% trong thời gian tới.

Trong khi thời điểm hiện nay được đánh giá là vô cùng thuận lợi để các ngân hàng huy động vốn từ thị trường quốc tế khi mà xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam nói chung, xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng liên tục được các tổ chức xếp hạng quốc tế nâng lên.

Đơn cử gần đây nhất, ngày 9/5/2019 Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức Ổn định lên Tích cực, khẳng định duy trì mức xếp hạng BB. Trước đó, ngày 5/4/2019, hàng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor's cũng đã nâng xếp hạng quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BB- lên BB, với triển vọng ổn định. Xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn được giữ nguyên ở B. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Trong khi hồi cuối năm 2018, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng liên tục nâng xếp hạng tín nhiệm cho các ngân hàng Việt Nam…

Để có được kết quả này, không thể không nói tới những đóng góp vô cùng quan trọng của chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp, qua đó ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt còn giúp ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, củng cố năng lực tài chính cho hệ thống ngân hàng và nâng cao nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia. Tất cả những điều đó đã gia tăng lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam nói chung, vào hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng. Việc VPBank phát hành thành công trái phiếu quốc tế chính là minh chứng rõ nét nhất.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến