Dòng sự kiện:
Cổ phiếu đường đi về đâu?
11/03/2018 11:16:50
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) mỗi năm tiêu thụ khoảng 110.000 tấn đường. Năm ngoái, theo đại diện của Vinamilk, công ty mua đường bình quân quanh 16.000 đồng/ki lô gam.

Đầu năm nay, các đầu mối chào bán đường cho Vinamilk ở mức 14.000 đồng/ki lô gam, nhưng sau khi quan sát, theo dõi diễn biến thị trường, Vinamilk chưa mua. Lúc đó, công ty nhận định giá đường có thể còn giảm về 12.000 đồng/ki lô gam. Nay thì giá đường bán sỉ khối lượng lớn đã rơi xuống 11.000 đồng/ki lô gam.

“Ngành đường nhìn chung đang lao đao”, đại diện Vinamilk nhận xét. Sự lao đao không chỉ bởi đường nhập lậu, giá thành sản xuất đường nội địa cao, mà còn do thuế suất nhập khẩu đường từ các nước Asean đã giảm. Hiệp hội Mía đường và nhiều doanh nghiệp đường đang kêu cứu Nhà nước bảo hộ. Nếu không họ có thể lâm vào cảnh phá sản.

Bản thân Vinamilk, vốn là doanh nghiệp có hàng chục ngàn tỉ đồng tiền mặt, không vay ngân hàng, vậy mà cũng đang phải mua sản phẩm của Nhà máy Đường Khánh Hòa, mà công ty này vừa đầu tư, bằng giá thành sản xuất để nhà máy khỏi thua lỗ. Còn các doanh nghiệp đường, thử hỏi có đơn vị nào không vay vốn ngân hàng, mà đã đi vay thì phải trả lãi. Với năng suất mía thấp, chi phí vận chuyển cao, không có vốn để trữ hàng cho mùa vụ, biên lợi nhuận thấp... thử hỏi làm cách nào vượt qua bĩ cực?

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Thành Thành Công, cho biết bên cạnh đó năm nay còn là năm thứ 5, thứ 6 trong chu kỳ giảm giá của giá đường thế giới, vốn bắt đầu từ năm 2012 và hiện chưa chấm dứt. Sản lượng đường của Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Thái Lan năm nay dự báo đều tăng và cung đang vượt xa cầu.

Khỏi nói giá cổ phiếu của các công ty đường niêm yết rớt thảm như thế nào, ít thì 40-50%, nhiều thì 50-60% so với giá của 12 tháng trước. Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS-Hose) quí 4-2017 (niên độ năm tài chính tính từ 1-7 đến 30-6 năm sau) tức quí thứ hai của năm tài chính lãi có 203 triệu đồng, trong khi vay ngắn hạn 816 tỉ đồng. Giả sử LSS được các ngân hàng cho vay ưu đãi với lãi suất 7-8%/năm, thì mỗi năm công ty phải trả tầm 60 tỉ đồng tiền lãi. Có cổ đông đã nói nếu như LSS không đầu tư sản xuất, kinh doanh, không vay ngân hàng, mà mang vốn tự có đi gửi ngân hàng lấy lãi, thì mỗi năm cũng có trong tay vài chục tỉ đồng.

Nợ vay của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT-Hose) cũng đang phình to. Chỉ riêng hai quí đầu tiên của năm tài chính 2017-2018 mức chi trả lãi vay của SBT là 384 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 259 tỉ đồng, chưa bằng 68% chi phí trả lãi vay. Vốn chủ sở hữu của SBT gần 7.135 tỉ đồng, nhưng tổng nợ vay ngắn và dài hạn lên tới hơn 9.050 tỉ đồng.

Các cuộc M&A đã tạo cho SBT vị thế của một doanh nghiệp tầm cỡ nhưng sản xuất nông nghiệp bằng vốn vay và vốn vay quá lớn luôn kéo theo những hệ lụy một khi quản trị doanh nghiệp không theo kịp quy mô phát triển của công ty. Vốn vay ngắn hạn của SBT đã 5.921 tỉ đồng. Không ít doanh nghiệp đã từng sử dụng vốn ngắn hạn cho các phi vụ M&A, đặc biệt trong lĩnh vực sản suất (như Thủy sản Hùng Vương) và đang rất khó khăn.

Một “ông lớn” khác của ngành đường là Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS-UpCom) đã từng một thời “đình đám” với giá cổ phiếu vượt mức 100.000 đồng, nay giá còn tầm 65.000 đồng sau khi rớt xuống 45.000 đồng và tăng lại có lẽ một phần nhờ cổ đông nội bộ đăng ký mua vào.

QNS ghi nhận năm ngoái lãi sau thuế 1.017 tỉ đồng chủ yếu nhờ sản xuất và tiêu thụ sữa đậu nành. Còn sản xuất và kinh doanh đường chỉ đóng góp 50 tỉ đồng lợi nhuận, chưa bằng một phần sáu của năm trước đó. Nếu chỉ thuần túy sản xuất đường như các doanh nghiệp đường khác, hẳn QNS cũng không thể tránh khỏi những gian nan của lĩnh vực này hiện nay. Tuy nhiên, đa dạng hóa sản phẩm như cách thức mà QNS đang thực hiện không phải nhà máy đường nào cũng làm được.

Lúc này khi mà lượng đường tồn kho cả thị trường lên tới hàng trăm ngàn tấn, việc giá đường giảm là tất yếu do cung vượt cầu. Không giống như thịt heo, gia cầm, trái cây... đã từng có những cuộc giải cứu trên bình diện cả vùng, cả tỉnh, thậm chí cả nước, giờ đây chúng ta không thể vận động người dân xài thêm đường để giải cứu mặt hàng này. Xu hướng tiêu thụ đường trực tiếp đang ngày một co lại trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Đang có những doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại - phân phối tính đến việc mua trữ đường thời điểm giá thấp và bán ra thời điểm tháng 7-8 hàng năm khi mùa Trung thu đến, đường được tiêu thụ sản xuất bánh kẹo. Theo mùa vụ, tháng 2-3 là mùa thu hoạch mía, các nhà máy chế biến đường hoạt động, đường thành phẩm lại không được tiêu thụ mạnh. Sang quí 3, quí 4 giá đường thường tăng. Tuy nhiên, trữ đường phải trường vốn và quan trọng phải là vốn tự có, hoặc nếu có vay ngân hàng, thì tỷ lệ vay phải thấp so với vốn tự có. Mà vốn tự có, tiềm lực tài chính thì cho đến nay, chưa bao giờ là ưu thế của các doanh nghiệp ngành đường.

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến