Cổ phiếu hàng không: Ngân hàng rút lui, ai đủ tầm nắm giữ?
03/03/2017 06:03:53
ANTT.VN – “Chỉ cần bớt một giá (1.000 đồng/ CP) thì gần 25 triệu cổ phần HVN mà TCB rao bán kể từ đầu tháng 2 có khi chỉ mất vài ngày để sang tay toàn bộ”.

Tin liên quan

Ăn đậm nhờ chia tay mối tình ngoài ngành

Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã CK: HVN) vừa thông báo kết quả giao dịch cổ phiếu của ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). 

Cụ thể, Vietnam Airlines cho biết nhà băng này đã hoàn tất thương vụ bán 21 triệu cổ phiếu HVN trong khoảng thời gian từ ngày 23/02/2017 đến ngày 01/03/2017. 

Sau giao dịch trên, Techcombank chỉ còn sở hữu 18.705 cổ phiếu HVN – tương ứng 0% vốn của Vietnam Airlines.

Từ ngày 22/02 – thời điểm Techombank ra thông báo tiếp tục tất tay cổ phiếu HVN sau khi bán thành công 3,8 triệu CP với giá cao, giá cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã giảm 16%, dao động trong khoảng 33.000 đồng - 37.000 đồng/cp. 

Tính ra, với gần 25 triệu cổ phiếu bán ra thành công trong hai đợt, Techcombank đã thu về trên dưới 900 tỷ đồng.

Được biết, toàn bộ lượng cổ phiếu HVN mà Techcombank sở hữu được ngân hàng này mua vào từ đợt IPO của Vietnam Airlines năm 2014. Lúc này, dù đợt IPO Vietnam Airlines rất được mong chờ nhưng không được số đông nhà đầu tư hào hứng tham gia.

Trong đợt đấu giá đó, hai ngân hàng là Vietcombank và Techcombank đã đứng ra chi hơn 1.000 tỷ đồng để mua tới 99% tổng khối lượng chào bán với mức giá đấu thành công là 22.307 đồng/cp.

Như vậy, Techcombank chắc hẳn không hề đau thương khi “chia tay cuộc tình” ngoài ngành với Vietnam Airlines với khoản lợi nhuận thu về lên tới 330 tỷ đồng. 

Ai đủ sức thế chân?

Khi Techcombank rút lui, cơ cấu cổ đông của Vietnam Airlines đã rút đi một ông lớn. Hiện vốn điều lệ của hãng hàng không này ở mức 12.275 tỷ đồng trong đó vốn nhà nước (do Bộ GTVT quản lý) là 10.576 tỷ đồng – tương ứng 86,16% vốn điều lệ, cổ đông chiến lược là Tập đoàn Hàng không Nhật Bản ANA Holdings giữ 8,77% vốn, ngân hàng Vietcombank nắm giữ 1,82%. 

Tại Việt Nam, việc tham gia góp vốn tại các hãng hàng không từ trước đến nay luôn có mặt của các ngân hàng thương mại. Kịch bản win – win này vừa làm tăng nội lực của hãng bay vừa góp phần nâng cao thương hiệu của ngân hàng, đây cũng là là tiền đề cho sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên. 

Đầu năm 2017, sự kiện hai cổ phiếu hàng không liên tiếp chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán là HVN của Vietnam Airlines và VJC của Vietjet Air đã gây nên một cơn sốt mới sau làn sóng cổ phiếu bia hồi cuối năm qua. Hiện tượng cố phiếu nhuộm tím thị trường ngay sau tiếng cồng tại sở giao dịch chứng khoán không còn quá bất ngờ đối với các nhà đầu tư theo dõi bảng số. 

Tuy nhiên, giống như Vietnam Airlines, cơ cấu cổ đông của “hãng hàng không bikini” cũng khá cô đặc. Vietjet Air có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với 3 cổ đông lớn là bà Nguyễn Thị Phương Thảo (9,42%), công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny do bà Thảo làm chủ tịch (23,24%) và Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore (5,48%). Ngoài ra, không thể bỏ qua sự góp mặt của nhà băng do bà Thảo là phó chủ tịch HĐQT là HDBank với tỷ lệ sở hữu 4,5%. 

Theo công ty chứng khoán SSI, việc hàng loạt ông lớn lên sàn trong thời gian ngắn vừa qua chưa kể sẽ tiếp tục đón các “tân binh hàng khủng” chắc chắn sẽ gây áp lực cực lớn lên khả năng hấp thụ của thị trường.

Mỗi tân binh lên sàn đều gắn liền với tên tuổi của những đại gia tầm cỡ, từ những cá nhân đến tổ chức có tiềm lực khủng. Hiện nay mới chỉ Techcombank có quyết định xả hàng với quy mô gần 900 tỷ tại Vietnam Airlines, nếu trường hợp các nhà đầu tư truyền thống sẽ chốt lời, ai sẽ là người đủ sức thế chân?

Liệu sẽ là một quỹ đầu tư trong nước, hay một tổ chức tương tự ANA Holdings sẽ đặt niềm tin vào mã cổ phiếu HVN? Kịch bản nào cũng đều có thể xảy ra, xét trên sự hấp dẫn của Vietnam Airlines. Khoản lãi ngoài 300 tỷ chỉ trong vòng 2 năm qua của Techcombank đủ thu hút sự chú ý của bất cứ quỹ đầu tư trong nước nào. Ở trường hợp còn lại, không con đường nào ngắn hơn để xâm nhập thị trường 100 triệu dân với tốc độ phát triển hàng đầu thế giới bằng cách hợp tác với hàng hàng không lớn nhất tại quốc gia đó, như cái cách mà ANA Holdings đã và đang làm.

Theo nguồn tin của người viết, Vietcombank cũng đang rục rịch bán vốn khỏi Vietnam Airlines. Và kết quả đạt được từ Techcombank có thể là dữ liệu tham khảo quan trọng để xác định giá trị cổ phiếu HVN sao cho đưa về lợi ích lớn nhất. Trao đổi với tác giả, một người trong cuộc cho hay chỉ cần bớt một giá (1.000 đồng/ CP) thì gần 25 triệu cổ phần HVN mà TCB rao bán kể từ đầu tháng 2 có khi chỉ mất vài ngày để sang tay toàn bộ.

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến