Dòng sự kiện:
Cổ phiếu ngân hàng và giải pháp cho nợ xấu
25/05/2017 07:31:34
Ngày 22/5 đã trở thành một cột mốc đáng nhớ cho TTCK khi chỉ số VN-Index vượt mốc 740 điểm (mức cao nhất kể từ 2009) do các mã cổ phiếu NH góp vào đà tăng điểm.

Cổ phiếu NH thiết lập cột mốc VN-Index

Đóng góp vào đà tăng trưởng đó là một số cổ phiếu ngành NH như BID (BIDV), CTG (VietinBank) hay VCB (Vietcombank). Trước giờ Thống đốc NHNN công bố tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NH trước Quốc hội, mã cổ phiếu BID có thanh khoản lên đến 15,7 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức giá trần. Cổ phiếu CTG tăng 5,5%, MBB của Ngân hàng Quân đội tăng 3,1%,  VCB của Vietcombank tăng hơn 2%. Thậm chí một số NH đang gặp khó khăn như Eximbank (EIB) hay Sacombank (STB) cũng chứng kiến mức độ khởi sắc nhất định. Mặc dù vậy, ngoại trừ VCB đang ở mức giá gần 40.000 đồng/cổ phiếu, hầu hết các mã NH trên thị trường chỉ quanh quẩn ở mức khá thấp, từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/cổ phiếu.


Ảnh minh họa

Và sau báo cáo của Thống đốc NHNN trước Quốc hội vào chiều ngày 22/5/2017, khi ông cho biết: tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành Ngân hàng chiếm 2,46% trên tổng dư nợ và nếu cộng với số nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý, nợ xấu chiếm 5,8%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ này sẽ là 10,08%/tổng dư nợ cho vay của hệ thống. Đây là lần đầu tiên những con số phản ánh khá chân thật tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành NH được công bố và khác xa với tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách được các NH công bố. Phản ứng trước thông tin về nợ xấu, giá cổ phiếu của nhiều mã NH đã giảm nhẹ ngay vào ngày sau đó (23/5).

Quốc tế nhìn nhận nợ xấu?

Đầu năm nay Tổ chức Tài chính quốc tế Credit Suisse đã công bố một báo cáo đặc biệt về tiềm lực ngành NH Việt Nam. Điểm đáng chú ý của Credit Suisse là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm nay có thể không đồng nghĩa với tốc độ tăng tương ứng của lợi nhuận. Lý do là việc cải thiện biên lãi suất (NIM) tại một số NH đang gặp trở ngại vì lãi suất tiền gửi đang gặp áp lực cạnh tranh với các kênh đầu tư khác ở trong nước và sức ép của USD trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bán lẻ nhiều hơn sẽ gây áp lực gia tăng chi phí hoạt động cho một số NH, trong khi khối nợ xấu ngoại bảng vẫn còn đó.

Ví dụ BIDV, mặc dù tỷ lệ nợ xấu được công bố tại NH này thấp hơn 3% trong 2016, nhưng nếu xét về giá trị tuyệt đối lại tăng so với năm trước đó. Theo Credit Suisse, nếu tính luôn các khoản nợ “đáng chú ý” thì tổng quy mô nợ xấu và tiềm ẩn của BIDV vào cuối 2016 có thể lên đến 5,64% trên tổng dư nợ, gia tăng đáng kể so với mức 4,6% của 2015. Tổ chức này cũng đánh giá, trong các năm qua, ngành NH đã đạt được một sự ổn định nhất định. Nhưng nếu xét về dài hạn trong bối cảnh hội nhập với khu vực ngày càng sâu sắc, các NH Việt Nam sẽ cần nhiều phương thuốc thực chất hơn để vực dậy và giữ được vị thế cạnh tranh, nhất là cần bổ sung thêm một lượng vốn lớn và xử lý được điểm nghẽn nợ xấu.

NHNN đang đề nghị Quốc hội thông qua một Nghị quyết xử lý nợ xấu. Theo những điểm chính trong bản dự thảo là: TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu đang bàn thảo trên diễn đàn Quốc hội cũng đặt vấn đề đảm bảo quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD. Một vấn đề cũng đề cập đến cơ chế hỗ trợ phân bổ lãi dự thu, chêch lệch khi bán khoản nợ xấu của TCTD…

 

Ngay sau khi Thống đốc NHNN thông tin trước Quốc hội về thực trạng nợ xấu của ngành NH, trả lời phóng viên, tổng giám đốc một NHTM có hội sở ở TP.HCM cho biết: Thống đốc NHNN đã thận trọng hơn khi đưa ra Quốc hội những khoản nợ tiềm ẩn nợ xấu, đó là các khoản gia hạn nợ cho DN, một số khoản lãi dự thu, các khoản phải thu khó đòi tiềm ẩn rủi ro của NHTM, trái phiếu DN…

Tuy nhiên, các NHTM cũng rất nỗ lực thu hồi nợ trong các khoản nợ tiềm ẩn nợ xấu này. Ví như các khoản gia hạn nợ cho DN trong giai đoạn 2011-2015 để hỗ trợ DN phục hồi đình đốn sản xuất kinh doanh; các khoản dự thu như cho vay dài hạn, NHTM mua trái phiếu DN phát hành nếu DN đó có tiềm năng tài chính tốt thì khoản nợ từ trái phiếu sẽ không xấu thêm.

Theo lãnh đạo các NHTM ở TP.HCM, nợ xấu không phủ nhận có yếu kém nội tại của TCTD, còn có một nguyên nhân khách quan hết sức quan trọng. Đó là rủi ro của môi trường kinh doanh những năm qua rất lớn, tác động vào quá trình sản xuất kinh doanh của DN. Khi sản lượng trong nền kinh tế giảm, sức mua của nền kinh tế giảm, sức mua của thị trường cũng giảm đã đẩy nhiều DN vào tình trạng tồn kho hàng hóa không có nguồn thu để trả nợ dẫn đến nợ xấu.

Ngoài ra, nợ xấu còn đến từ những tác động môi trường như thiên tai ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, hạn mặn ở Nam bộ và không loại trừ các yếu tố môi trường đang xấu đi đã tác động vào việc tiêu thụ tôm, cá của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế.

Theo TBNH

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến