Dòng sự kiện:
Con heo và chỉ số chứng khoán
22/05/2017 11:25:37
Những DN chế biến thực phẩm đang hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh.

Những tháng đầu năm 2017 có thể xem là quãng thời gian tồi tệ nhất đối với ngành chăn nuôi heo cả nước. Ở thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước là Đồng Nai, giá liên tục sụt giảm có những thời điểm bán rẻ cũng không có khách mua. Nếu giá heo hơi dưới 30.000 đồng/kg, người chăn nuôi đã phải chịu lỗ từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg dù chính quyền tỉnh Đồng Nai đã có một số biện pháp giải cứu.

Thực trạng kinh doanh khó khăn đã đẩy nhiều hộ chăn nuôi đi đến quyết định bán tháo và treo chuồng. Theo thống kê sơ bộ, Đồng Nai có khoảng 30-40% các hộ chăn nuôi dừng chăn nuôi heo, bán tài sản để trả nợ. Tại tỉnh Đồng Tháp, tỷ lệ các hộ phải treo chuồng là trên 30%, các hộ chăn nuôi heo tại Bình Định cũng gặp khó khăn tương tự.

Theo ước tính của Agromonitor năm ngoái xuất khẩu heo hơi sang Trung Quốc là 12 triệu con, tương đương 1,5 triệu tấn heo hơi, chiếm 29,1% tổng xuất khẩu heo hơi của Việt Nam. Do đó tình hình khó khăn có thể kéo dài trong cả năm nay nếu thị trường Trung Quốc không mở cửa cho thịt heo Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn một số DN đang xúc tiến bước chân vào ngành chăn nuôi heo cũng có thể gặp khó khăn. Thủy sản Hùng Vương trong 2015 đã lên kế hoạch đầu tư bài bản với trị giá 10 triệu USD (tương đương với hơn hai trăm hai hai tỷ đồng) nhập khẩu heo giống về Việt Nam và đang nỗ lực xây dựng xong các trang trại tại An Giang và Bình Định ngay trong năm 2017. Mặc dù vậy, giá cả trên thị trường lao dốc đang tạo ra rủi ro lớn cho Hùng Vương khi nhu cầu heo nái đang sụt giảm quá nhanh.

Kết quả kinh doanh quý I/2017 cũng cho thấy điều đó, tổng doanh thu hợp nhất của Masan chỉ đạt 8.540 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước nhưng đáng ngại hơn là lợi nhuận ròng chỉ là 263 tỷ đồng, giảm đến 33% so với quý I/2016. Tập đoàn Dabaco chỉ ghi nhận lãi vỏn vẹn 13 tỷ đồng, giảm đến 78% so với cùng kỳ năm trước. Giá cổ phiếu của Masan đã sụt giảm từ mức 48.000 đồng xuống chỉ còn 43.000 đồng/cổ phiếu, trong khi DBC giảm từ 32.000 xuống chỉ còn quanh quẩn mốc 28.000 đồng/cổ phiếu.

Nhưng ở chiều ngược lại, những DN chế biến thực phẩm đang hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh. Theo ban lãnh đạo của Vissan, lợi nhuận của đơn vị này tăng 16% trong quý đầu năm 2017, chủ yếu do giá heo hơi đầu vào bình quân giảm 27% so với cùng kỳ, giúp biên lợi nhuận gộp tăng từ 24% lên 27%.

Liệu viễn cảnh u ám cho ngành chăn nuôi heo và thức ăn chăn nuôi sẽ kéo dài? Câu trả lời tất nhiên là khó nhưng một số dấu hiệu gần đây cũng mang lại những tín hiệu vui cho ngành. Trong chuyến thăm mới đây tới Trung Quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề nghị Chính phủ quốc gia này mở cửa thị trường thịt heo cho Việt Nam. Trong nước, các công ty như Masan cũng đang nỗ lực tạo ra các dòng thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn như Bio-zeem giúp thời gian xuất chuồng giảm được 12 ngày. Các DN thức ăn chăn nuôi cũng cố gắng tăng chiết khấu bán hàng hay giảm giá bán để thúc đẩy lượng cám tiêu thụ.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán HSC, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm của các công ty thức ăn chăn nuôi sẽ được phục hồi nhờ hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc trở lại bình thường giúp giá bán trong nước phục hồi. Đặc biệt khi mà lệnh cấm các trang trại trong đô thị tại Trung Quốc ban hành gần đây nhiều khả năng sẽ dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn thịt ở nước láng giềng.

Gần đây Trung Quốc đã cấm nuôi heo tại các cơ sở nuôi tại khu vực đô thị vì lo ngại ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Điều này dự kiến sẽ làm cho sản lượng thịt heo của nước này giảm trong năm nay. Sự thiếu hụt của Trung Quốc sẽ tạo điều kiện xuất khẩu thuận lợi hơn cho con heo của Việt Nam trong các tháng cuối năm nay.

Theo TBNH

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến