Dòng sự kiện:
Đa dạng hóa kênh huy động vốn – ‘kế sách’ phát triển kinh tế bền lâu
16/04/2018 19:01:43
Đa dạng hóa kênh huy động vốn là giải pháp đang được các nước trên thế giới triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cho phát triển.

Nguồn vốn luôn đóng vai trò then chốt trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của tất cả quốc gia trên thế giới, và hiện trạng phát triển của các nền kinh tế là khác nhau nên các kênh huy động cũng khá đa dạng.

Bên cạnh kênh huy động vốn quan trọng là hệ thống ngân hàng thì các nước cũng có nhiều kênh huy động vốn khác để đáp ứng nhu cầu tài chính trong nước tùy theo điều kiện của mỗi quốc gia.

Mở rộng kênh huy động vốn

Theo các nghiên cứu trên thế giới, hiện nay trên thế giới có các nguồn vốn chủ yếu được huy động để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong nước như đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn huy động trong nước qua hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp, phát hành trái phiếu…; và vốn huy động nước ngoài như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các khoản vay quốc tế, phát hành trái phiếu quốc tế...

Đa dạng hóa kênh huy động vốn - “kế sách” phát triển kinh tế bền lâu. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại một số quốc gia đang phát triển, do quy mô ngân sách chính phủ không lớn và phải chi tiêu, cũng như đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác nên phần lớn nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được huy động từ nước ngoài và các nguồn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. chính phủ chỉ đóng vai trò ban hành các cơ chế, chính sách để duy trì môi trường đầu tư thuận lợi, tạo điều kiện và khuyến khích nhiều thành phần trong xã hội tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Ấn Độ, Hàn Quốc, Mexico, Costa Rica..., đã chủ động kêu gọi và tăng cường thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong hầu hết các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, vai trò của chính phủ chủ yếu là duy trì một môi trường đầu tư ổn định với hệ thống luật pháp thống nhất và mức thuế thấp.

Theo hãng thông tấn PTI (Ấn Độ), FDI vào Ấn Độ trong tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2017 đã tăng 9% lên mức cao kỷ lục 43,38 tỷ USD, nhờ các biện pháp cải cách mà chính phủ nước này thực hiện. Trong tài khóa trước đó, Ấn Độ thu hút được 40 tỷ USD đầu tư nước ngoài.

Bộ Công Thương Ấn Độ nhận định vốn FDI tăng chủ yếu nhờ những cải cách chính sách sâu rộng và mạnh mẽ mà Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện để tăng tính thực dụng cho cơ chế FDI. Ấn Độ giờ đã trở thành điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới và luồng FDI chảy vào nước này trong tài khóa vừa kết thúc là cao nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, việc nới lỏng chính sách FDI và cải thiện môi trường kinh doanh cũng giúp thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa, hạn chế nhập khẩu, tạo công ăn việc làm.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc ngày 11/3/2018 thông báo sẽ thu hút hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm nay, năm thứ tư liên tiếp thu hút FDI ở mức cao. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, nếu đạt được mục tiêu trên thì sẽ có hơn 10.000 việc làm chất lượng cao được tạo ra cho đất nước này.

Trước đó ngày 21/2, Bộ Kinh tế Mexico thông báo trong năm 2017, quốc gia này đã thu hút 29,695 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 11% so với con số 26,738 tỷ USD một năm trước đó. Theo thống kê, ngành công nghiệp chế tạo dẫn đầu về thu hút FDI khi chiếm 45,4% tổng số vốn trên.

Tiếp đến là lĩnh vực vận tải-kho bãi (10,8%) và xây dựng (10,3%). Bộ Kinh tế Mexico cho biết lượng vốn FDI trên đến từ 3.402 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong vòng 10 năm qua, Mexico đã thu hút số tiền lên tới hơn 109 tỷ USD vào 1.126 dự án FDI, và các dự án này đã tạo ra trên 411.000 việc làm cho người dân địa phương.

Kinh nghiệm thực tiễn

Kinh nghiệm huy động vốn từ các nước trên thế giới rất đa dạng không theo bất kỳ mô hình nào. Tuy vậy, các nước thành công trong chính sách này đều tuân thủ những quy luật kinh tế cơ bản, tận dụng tối đa các lợi thế so sánh của mỗi nước và tính đến một cách cặn kẽ điều kiện tự nhiên, địa lý, các nguồn lực tự nhiên cũng như các phong tục tập quán riêng.

Một trong những ví dụ nổi bật là Hàn Quốc với những thành công thu được từ việc thành lập thị trường chứng khoán trong nước trong thập niên 1950, để huy động vốn phục vụ công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Đến nay, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã trở thành một trong những thị trường chứng khoán hàng đầu châu Á và thế giới.

Để đạt được những thành tựu như trên, Hàn Quốc đã thực hiện cải cách thị trường vốn mạnh mẽ thông qua việc ban hành Luật các thị trường vốn và dịch vụ đầu tư tài chính (FSCMA) để hợp nhất các văn bản luật điều chỉnh thị trường vào năm 2007, có hiệu lực năm 2009; bảo hộ nhà đầu tư; tăng cường giám sát thị trường vốn.

Năm 2007, thị trường vốn của Hàn Quốc mất cân bằng nghiêm trọng, do chức năng môi giới tài chính kém phát triển. Sự tăng trưởng thiếu bền vững và hoàn thiện của ngành tài chính trong thị trường vốn đã ngày càng làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng giữa ngành đầu tư tài chính trực tiếp và gián tiếp. Ngoài ra, hệ thống quản lý khác nhau đã tách rời kiểm soát các hoạt động chứng khoán, quyền chọn và kinh doanh quản lý tài sản đã tạo ra các rào cản cho sự cải tiến dịch vụ và sản phẩm.

Trước tình hình trên, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật FSCMA năm 2007, có hiệu lực năm 2009, nhằm đẩy mạnh hơn nữa thị trường vốn của Hàn Quốc. Việc ban hành luật này được coi là mang tính cách mạng của quá trình cải cách nhằm phát triển hơn nữa thị trường vốn của Hàn Quốc. Nhờ có sự hoàn thiện trong hệ thống quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính này, thị trường vốn Hàn Quốc đã có những chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành công.

Trong khi đó, theo Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL), Costa Rica là nước tiếp nhận vốn FDI cao thứ hai tại Trung Mỹ năm 2016 với 3,18 tỷ USD, tăng 1,1% so với năm 2015 và chiếm 27% tổng số vốn FDI của khu vực này, sau Panama (44%). Ngân hàng trung ương Costa Rica (BCC) cho hay vốn FDI vào nước này trong các năm 2014-2016 đạt 12,183 tỷ USD, tạo 33.778 việc làm mới cho người lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp cũng như phát triển kinh tế, xã hội ở quốc gia Trung Mỹ này.

Theo Bnews

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến