Dòng sự kiện:
Đặc khu kinh tế: Quan trọng nhất là minh bạch
05/04/2018 11:20:47
Nhiều điểm mới của Dự thảo Luật về đặc khu kinh tế đã được ban soạn thảo đề cập tới.

Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tên gọi của dự thảo Luật được bổ sung cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh là “Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Băc Vân Phong, Phú Quốc”. Dự thảo Luật sau khi được chỉnh lý gồm 6 chương, 88 điều và 6 Phụ lục.

Tên Luật đựoc điều chỉnh thành “Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Băc Vân Phong, Phú Quốc”. Ảnh: Internet.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu.

Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, hiện nay, sau khi được chỉnh lý, dự thảo Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sau khi được rà soát bao gồm 131 ngành, nghề tăng 23 ngành, nghề so với Danh mục Chính phủ trình. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy đinh mở vê việc áp dụng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để tạo cơ chế năng động, sáng tạo, linh hoạt trong quản lý, điều hành hoạt động kinh tê - xã hội và thử nghiệm chính sách tại từng đặc khu.

Góp ý các nội dung dự thảo Luật, về việc thành lập Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, Dự thảo quy định quyền hạn của Ban tư vấn khá rộng, đơn cử, nếu chủ tịch đặc khu không đồng ý với ý kiến của Ban thì phải giải trình bằng văn bản nói rõ lý do không thống nhất với Ban... Theo bà Đỗ Thị Lan, đây là bước có thể sẽ kéo lùi, làm chậm thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch UBND đặc khu và UBND đặc khu.

Bên cạnh đó, theo quy định, Ban tư vấn có 7 thành viên, điều này là chưa phù hợp chủ trương của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy có hiệu lực hiệu quả, chưa tạo điều kiện phát huy hiệu lực hiệu quả của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu và chưa thực sự tinh gọn.

Về điều kiện kinh doanh và các quy định ưu đãi thu hút đầu tư, Đại biểu Lê Thanh Vân, Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dự luật đã rút gọn lại các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bên cạnh đó có các ưu đãi về thuế, thời hạn thuê đất mặt nước, các ưu tiên đối với nhà đầu tư… Nhưng theo đại biểu này, thu hút đầu tư bằng cách miễn thuế, miễn tiền cho thuê đất là cần thiết nhưng không phải là điều quan trọng nhất. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất là phải minh bạch trong đầu tư. Ông nhấn mạnh, ưu đãi về thuế nhưng hành xử của bộ máy chính quyền vẫn có biểu hiện tham nhũng, phiền hà, nhũng nhiễu thì tiền được giảm có khi còn ít hơn tiền phải lobby cho các chính sách khác.

Liên quan đến mô hình chính quyền đặc khu, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, trước đây dự thảo Luật giao nhiều thẩm quyền cho trưởng đặc khu thì chúng ta lo sợ tình trạng lạm quyền, nhưng lần này quay lại mô hình HĐND - UBND thì không phù hợp.

Theo đại biểu này, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thì tổ chức chính quyền cũng phải đặc biệt, phải vượt trội về thẩm quyền, cơ chế vận hành để phát triển thông thoáng hơn. Nhấn mạnh không nên tổ chức HĐND, đại biểu này cho rằng, không phải lo sợ không kiểm soát được khi không có HĐND, mà vấn đề là ở chỗ, lâu nay chúng ta không công khai minh bạch nên mới sai phạm mà không có kiểm soát, giám sát.

Theo Báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến