Dòng sự kiện:
Đại dự án chăn nuôi bò Bình Hà 'chết yểu', BIDV khó có khả năng thu hồi vốn
24/06/2018 10:47:59
Được xem là dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống lớn nhất cả nước từng được kỳ vọng sẽ phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước thế nhưng sau 3 năm triển khai, dự án gần như “chết yểu”, khó có khả năng thu hồi vốn.

"Bánh vẽ" đại dự án

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 2.163,5 ha ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống lớn nhất cả nước từng được kỳ vọng sẽ phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Để thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh hơn 1.848 ha diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn 2 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ.

Cổng vào Đại dự án công ty Bình Hà tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) cho biết, tháng 4/2015 tỉnh mới ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng yêu cầu các địa phương phải bàn giao mặt bằng trước tháng 7/2015.

Ngay sau đó, hàng chục văn bản trên giao xuống yêu cầu phải sớm bàn giao mặt bằng khiến “xã ngơ ngẩn”. Trên huyện, Phó Chủ tịch huyện Trần Hữu Duyệt cũng cho hay, nhiều văn bản của tỉnh còn thúc huyện sớm phải bàn giao mặt bằng, nếu chậm thì lãnh đạo huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh. Kể từ đó hàng trăm ha cao su, thông, keo đang phát triển ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh phải đốn hạ để nhường đất cho “đại” dự án chăn nuôi bò..

Đất thu hồi của người dân vẫn để trắng.

Không những việc rầm rộ thu hồi đất của dân để thực hiện “bánh vẽ” đại dự án chưa mang lại kỳ vọng mà đã khiến nhiều người dân các vừng bị ảnh hưởng của việc thu hồi đất rừng sản xuất rơi vào điêu đứng.

Theo bà L. T. L, trú tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên cho biết, khi Công ty Bình Hà vào ồ ạt thi công đã thu hồi toàn bộ hơn 9ha đất rừng sản xuất của gia đình. Đến nay, khi không còn đất sản xuất và cũng chẳng được đền bù, hỗ trợ gì cả về đất thì khu đất thu hồi vẫn là vùng đất trống. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị để được tận dụng sản xuất, trồng cây nhưng vẫn không thể được.

Cùng chung cảnh ngộ, ông N. V. N trú tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên cho biết thêm, dự án Bình Hà đã thu hồi toàn bộ hơn 3ha đất rừng sản xuất có lâm bạ của gia đình. Sau khi kiểm đếm, gia đình đã được đền bù khoảng 120 triệu. Công ty Bình Hà cũng đã hứa là sẽ hỗ trợ thêm tiền giải quyết việc làm nhưng cũng kể từ đó đến nay vẫn chưa nhận được thêm bất cứ đồng nào. Đất rừng thì không có để sản xuất mà tiền hỗ trợ thêm thì không có nên gia đình ông N. cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Ồ ạt thu hồi đất của người dân nhưng đến nay, nhiều diện tích đất được công ty Bình Hà "để trắng".

Điều đặc biệt, mặc dù chưa có quyết định chấp thuận chuyển đổi, các quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích đầu tư, đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đều chưa thực hiện nhưng giữa năm 2017, công ty Bình Hà đã chuyển đổi hàng trăm héc ta diện tích trồng cỏ sang trồng chuối xuất khẩu. Tính đến ngày 12/9/2017, công ty Bình Hà đã phá cỏ, làm đất chuẩn bị trồng chuối trên diện tích 380ha. Đến tháng 3/2018, tổng số diện tích trồng chuối do đơn vị này tự ý chuyển đổi lên đến 175 ha.

Dự án “chết yểu”, khó có khả năng thu hồi vốn

Để triển khai dự án, thu hồi đất ào ạt góp vào tiếng vang lớn của Đại dự án phải kể đến sự ủng hộ đắc lực, “bà đỡ” của dự án này là Ngân hàng BIDV.

Được biết, vào ngày 15/1/2016, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kết hợp với Công ty Bình Hà đã khánh thành giai đoạn 1 Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh. Trong đó, BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỉ đồng. Dự kiến, quy mô vốn tín dụng dài hạn BIDV dành cho dự án là 2.190 tỉ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỉ đồng.

Đến thời điểm đầu năm 2016, BIDV đã giải ngân 810 tỉ đồng, trong đó vốn dài hạn đạt 492 tỉ đồng để thực hiện xây dựng dự án, cho vay ngắn hạn 318 tỉ đồng để thực hiện nhập khẩu bò, thuốc thú y, thức ăn... Cũng trong ngày 15/1/2016, tại Hà Tĩnh, BIDV đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Tọa đàm “Phát triển công nghiệp chăn nuôi bò”. Tại hội thảo này, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho biết đã ban hành gói tín dụng với quy mô ban đầu đến 1 tỉ USD nhằm hỗ trợ ngành đổi mới công nghệ, gia tăng quy mô và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.

Sau được khảo sát, nghiên cứu các điều kiện, bảo đảm tính khả thi của dự án ngân hàng này đã “bơm” khoản tiền khổng lồ cho dự án. Nhưng thay vào đó, sau 3 năm triển khai dự án, chiếc “bánh vẽ” dần bộc lộ bản chất, càng ngày dự án càng rơi vào bế tắc, chết yểu. Thậm chí, dù đang được “ngụy trang” và duy trì hàng nghìn con bò nuôi thịt và xuất khẩu trong khuôn viên nhưng việc thu hồi vốn dự án cũng khó khả thi cũng như đang rơi vào tình trạng đáng báo động.

Không những thế, liên quan dự án này, mới đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng giám đốc công ty Bình Hà về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. CQĐT xác định, Dũng cùng đồng phạm là Nguyễn Xuân Lương, Giám đốc công ty Tân Đại Việt đã cấu kết nâng khống khối lượng chiếm đoạt 110 tỷ đồng tại dự án nuôi bò thịt, bò giống.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Kiều Đình Hòa, Giám đốc Chi nhánh BIDV Hà Tĩnh cho biết: “Việc cho vay như thế nào thì đây là quyền lợi và bí mật của khách hàng. Trừ khi có ý kiến của khách hàng thì chúng tôi sẽ trao đổi thêm về vấn đề này. Đề cập việc liên quan đến những “lùm xùm” của công ty Bình Hà thời gian qua có ảnh hưởng đến quá trình cho vay và thu hồi vốn của ngân hàng hay không thì ông Hòa cho rằng, đó là việc cá nhân của ông Đinh Văn Dũng, còn thực tế công ty này vẫn đang hoạt động”.

Còn tiếp...

Ngọc Tuấn – Thúy Nga

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến