Dòng sự kiện:
Đâu là động lực của nền kinh tế Việt Nam?
15/11/2017 12:01:39
Việt Nam phải vừa có tăng trưởng cao hơn, vừa coi trọng chất lượng. Nếu tăng trưởng kinh tế không đạt sẽ làm mất cân đối các chỉ số vĩ mô khác, tác động tiêu cực tới ngân sách Nhà nước

Tin tức báo Chính phủ đăng tải, liên quan tới câu hỏi đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tại diễn đàn Quốc hội, bên cạnh những ý kiến lo ngại về tính thiếu bền vững của tăng trưởng, thì nhiều ý kiến lạc quan đánh giá cao về quyết tâm cũng như hành động của Chính phủ.

Ảnh minh hoa.

Phân tích của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội, tăng trưởng GDP ước cả năm đạt 6,7%. Đạt được kết quả này là nhờ cả 3 khu vực tăng trưởng khá đồng đều: Nông nghiệp tăng gấp hơn 4 lần cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp đạt 8,7% (cùng kỳ là 7,3%), trong đó ngành chế biến, chế tạo đã tăng cao, 13,6%. Khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008. Thu hút khách du lịch đạt kỷ lục, khách quốc tế ước cả năm 13 triệu lượt, tăng 30%; khách trong nước ước cả năm 75 triệu lượt, tăng 12%. Ngoài ra, cả năm 2017 ước sẽ xuất khẩu khoảng 204 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD. Cả nước có 105.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 1,02 triệu tỷ đồng, tăng 14,6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký…

Việt Nam phải vừa có tăng trưởng cao hơn, vừa coi trọng chất lượng. Nếu tăng trưởng kinh tế không đạt sẽ làm mất cân đối các chỉ số vĩ mô khác, tác động tiêu cực tới ngân sách Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không bảo đảm được công bằng xã hội.

Trích nội dung thảo luận kinh tế- xã hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết: “Chúng ta bán thêm dầu và khai thác thêm tài nguyên, khoáng sản bán để bảo đảm tăng trưởng thì sẽ bị hụt hơi không tăng trưởng được nữa vì hết các tài nguyên. Chúng ta lấy động lực tăng trưởng ở Samsung thì khi doanh nghiệp này có vấn đề là tăng trưởng suy giảm ngay”.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thì cho rằng: “Đột ngột giảm rồi đột ngột tăng GDP của cả quốc gia chỉ vì biến động sản phẩm của một vài doanh nghiệp FDI quả thật rất đáng lo ngại cho nền kinh tế”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: “Kết quả tăng trưởng đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, chẳng hạn như phụ thuộc vào Samsung hay phụ thuộc vào một vài sản phẩm thép... mà tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế. Cả 3 khu vực và có đóng góp của các sản phẩm, đặc biệt là ngành khai khoáng giảm mạnh. Lần đầu tiên nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng không phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành khai khoáng. Điều đó nói lên chúng ta vừa tăng trưởng tích cực nhưng đồng thời chất lượng tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng”.

Xuân Tùng (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến