Dòng sự kiện:
Đầu tư công: Vướng mắc không phải do luật mà do điều hành
22/09/2018 07:22:29
'Tôi cho rằng Luật Đầu tư công có khó khăn, nhưng việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm', Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Đề nghị sửa đổi 3 nhóm chính sách

Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Giải ngân đầu tư công những tháng đầu năm khá chậm

Nói về sự cần thiết xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Đơn cử, một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch...

“Thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong đó nhấn mạnh việc cơ cấu lại đầu tư công, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư công là cần thiết”, ông Dũng phát biểu.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách với 18 chính sách cụ thể.

Thứ nhất là nhóm chính sách về quy định chung. Trong đó, đã tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, địa phương đối với các quy định về nguồn vốn đầu tư công; phân loại nguồn vốn; phạm vi điều chỉnh; điều kiện áp dụng; phân loại dự án... Đây là nội dung quan trọng, liên quan đến sự đồng bộ với các luật liên quan, nhất là Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời, có ý nghĩa quyết định đến việc đơn giản hóa trình tự, thủ tục liên quan đến những quy định điều chỉnh, bổ sung này.

Thứ hai là nhóm chính sách về quản lý dự án. Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm bớt, rút gọn hoặc bãi bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết, mất nhiều thời gian, nhằm cải thiện chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay sau khi dự án đủ thủ tục đầu tư và được bố trí kế hoạch vốn.

Thứ ba là nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công. Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục liên quan đến lập, thẩm định, quyết định, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo hướng phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, thực hiện kế hoạch, tăng cường hậu kiểm. Đáng chú ý là đề xuất về kế hoạch đầu tư công 3 năm theo phương thức cuốn chiếu, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và đảm bảo sự đồng bộ giữa kế hoạch đầu tư công với kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn và hàng năm.

Lập luận chưa thuyết phục

Tuy nhiên, khi cho ý kiến về dự án luật, nhiều ý kiến cho rằng các lập luận về sự cần thiết sửa đổi luật của Chính phủ là chưa thuyết phục. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những vướng mắc, bất cập thì cần sửa luật. Nhưng với các nội dung, căn cứ để sửa đổi mà Chính phủ trình như: công tác thẩm định, phê duyệt đầu tư, bố trí vốn không phù hợp với tiêu chí; hay giao vốn nhiều lần, kéo dài thời gian giao vốn… không phải do luật mà do khâu triển khai thực hiện.

“Tôi cho rằng Luật Đầu tư công có khó khăn, nhưng việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm. Luật ra đã đưa ra các quy định rất hợp lý và thể chế hóa một số quy định của Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ là rất phù hợp, khắc phục được các bất cập trong thời gian qua là các tỉnh chạy cho được tên dự án. Luật đã khắc phục là chỉ khi khắc phục được nguồn vốn mới được ghi tên công trình, dự án… vào kế hoạch đầu công. Những vướng mắc thời gian qua không phải do luật mà do công tác điều hành…”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì đề nghị Ban soạn thảo lưu ý việc dự thảo ghi Luật này không quy định với vốn Nhà nước tại các tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, các quỹ ngoài ngân sách, các công trình theo hình thức PPP… là loại ra quá nhiều so với luật hiện hành và băn khoăn “nếu như vậy công tác quản lý sẽ như thế nào”. Vì vậy, đề nghị không thay đổi tên, phạm vi của dự án Luật.

Cũng theo ông Hiển, những vướng mắc thời gian qua có một phần do sự chưa phù hợp của Luật, Nghị định hướng dẫn, sự phối hợp trung ương, địa phương… nhưng không nhiều. Nên Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ sửa những gì thực sự vướng mắc, đã được đánh giá tác động, không sửa toàn diện. “Để sau 5 năm chúng ta sẽ sửa đổi toàn diện khi đã có đánh giá đầy đủ. Còn nay mới được 3 năm, nếu sửa toàn diện sẽ phá vỡ toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn chúng ta đã đề ra”, Phó Chủ tịch đề nghị.

Trước đó, khi thẩm tra dự án luật này, ngoài hàng loạt những vấn đề cần được tiếp thu làm rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải còn đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tính cụ thể, hợp lý của Dự thảo Luật, trong đó có các quy định liên quan đến thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND đã được Chính phủ chỉnh sửa theo hướng tăng cường phân cấp; thu hẹp các nội dung cần trình Quốc hội quyết định so với Luật hiện hành; hay việc không quy định thẩm quyền của UBTVQH, điều này là chưa phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết 26 của Quốc hội và một số văn bản liên quan…

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến