Dòng sự kiện:
Đầu tư theo quỹ, nên không?
18/05/2018 09:09:48
Một lượng lớn vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân đang đổ vào các DN lớn của Việt Nam khiến một số ngành trở nên hấp dẫn lạ kỳ.

Mới đây, Techcombank trở thành tâm điểm khi được Quỹ Warburg Pincus cam kết rót vốn hơn 370 triệu USD và đã tiến hành đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay với giá trị vốn được bán lên đến 922 triệu USD. Quỹ Dragon Capital (GIC), và Quỹ Fidelity International (Mỹ) cũng là những nhà đầu tư chủ chốt vào ngân hàng này.

Cũng nhận thấy sự hấp dẫn của Việt Nam, ACA Investments - công ty quản lý quỹ của Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Sumitomo vừa huy động quỹ đầu tiên trị giá khoảng 100 triệu USD cho lĩnh vực bán lẻ và hạ tầng. Theo kế hoạch, tới đây quỹ này sẽ có thêm 5-6 thương vụ đầu tư cho các công ty nhỏ và vừa, với số vốn từ 15 triệu đến 20 triệu USD, thậm chí lên đến 30 triệu USD.

Trước đó, An Phat Hondings, thành viên của Tập đoàn An Phat đã nhận được 353 tỷ đồng (tương đương 15,6 triệu USD từ quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc, được quản lý bởi Công ty quản lý quỹ Valuesystem). Đây là khoản đầu tư đầu tiên ra quốc tế của Valuesystem trong quy mô vốn chuyên biệt lên đến 100 triệu USD. Bằng khoản đầu tư này, quỹ do Valuesystem quản lý sẽ hỗ trợ tài chính cho Tập đoàn An Phát nói chung và An Phat Holdings nói riêng nghiên cứu và mở rộng sản xuất các sản phẩm nhựa ép kỹ thuật có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt là các sản phẩm dành cho nhựa điện tử, nhựa ô tô xe máy và nhựa gia dụng chất lượng cao…

Chỉ vài ví dụ về vốn đầu tư ngoại đổ vào Việt Nam nêu trên đã thấy rằng, khối ngoại luôn đánh giá cao môi trường kinh doanh của thị trường Việt Nam trong tương lai. Về thực tế, việc rót vốn không chỉ mang ý nghĩa cam kết đầu tư lâu dài của khối này mà còn thấy rằng họ đã thực sự thành công khi đầu tư vào Việt Nam ở những năm trước.

Bằng chứng là năm 2017, nhiều quỹ ngoại tại Việt Nam đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục với mức lợi nhuận lên tới 30%. Cũng không khó để lý giải cho sự thành công của các quỹ ngoại tại Việt Nam. Đó là, Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư ở khu vực kinh tế tư nhân hơn là ở khu vực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thêm nữa, các công ty tư nhân hoạt động hiệu quả và phát triển nhanh hơn, điển hình như thương mại điện tử và bán lẻ. Ngày càng có nhiều doanh nhân trẻ chấp nhận rủi ro để khởi sự kinh doanh cũng là những đối trọng thách thức khiến các quỹ đầu tư cũng phải nhập cuộc nhanh, cạnh tranh để giành được các khoản đầu tư hợp lý.

Ở ngắn hạn đã vậy, tiềm năng trung - dài hạn càng đáng được nhắc đến khi mà kinh tế vĩ mô ngày càng khởi sắc còn lãi suất ngân hàng ngày một thấp hơn. Quy mô thị trường liên tục tăng khi nhiều công ty mới lên sàn khiến thị trường ngày càng “có thể đầu tư được”, nói theo cách của một số nhà đầu tư nước ngoài.

Ở góc nhìn khác, khi nền kinh tế tăng trưởng đồng nghĩa lượng tiền tích lũy được những năm qua hiện đang lớn dần, đã sẵn sàng gia nhập thị trường. Xu hướng các quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư quốc gia toàn cầu tìm kiếm cơ hội tăng trưởng tại Việt Nam ngày thêm tăng là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng đối với nhà đầu tư trong nước, thiết nghĩ không chỉ nhìn rồi xuýt xoa về sự tài giỏi của quỹ mà nên có những hành động tương đồng để khai thác tiềm năng. Nói như một chuyên gia tài chính thì nhà đầu tư trong nước đủ năng lực thì đầu tư “bắt chước”, ngược lại không đủ lực thì chí ít cũng nương nhờ quỹ đầu tư “giúp”.

Quả vậy, cơ hội tăng trưởng tại Việt Nam thì không còn gì để bàn cãi. Thế nên, các quỹ đầu tư, ngoài việc liên tục nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm phù hợp, khối này còn tích cực tham gia phát triển thị trường, đào tạo, truyền bá thông tin tới thị trường. Đây là cơ hội để nhà đầu tư ít tiền, ít kinh nghiệm “đu” theo mô hình kinh doanh của quỹ để đảm bảo được 3 mục tiêu: kiếm lời, an toàn và học hỏi kinh nghiệm.

Nhìn chung, ở Việt Nam đang có một số quỹ hoạt động hiệu quả. Các quỹ này cũng đang có rất nhiều quỹ đầu tư mở/đóng và đang gọi vốn. Đối tượng quỹ hướng tới không chỉ đến các doanh nhân, tỷ phú Việt Nam mà còn dành cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ có nhiều tiền nhàn rỗi, nhưng lại bận việc điều hành kinh doanh với mức vốn ủy thác cao mà còn nhắm vào các cá nhân qua kênh đầu tư trái phiếu, qua đó gia tăng cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư này.

Với tính hệ thống, tính chuyên nghiệp trong hoạt động phân tích và đầu tư, năng lực quản trị rủi ro tiên tiến, cộng tiềm lực tài chính vững các quỹ đầu tư sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường tốt hơn, đa dạng hơn.

Về hình thức đầu tư của quỹ có thể không có gì để phàn nàn, tuy nhiên, khi đầu tư theo hình thức ủy thác, nhà đầu tư cũng cần phải bổ sung thêm kiến thức cũng như theo dõi thường xuyên về hoạt động của quỹ. Từ đó, có thể hiểu được quỹ nào đang đầu tư hiệu quả, tính toán xu hướng đầu tư tốt, hiệu quả mà an toàn… để gửi gắm đầu tư là tốt nhất.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến