Dòng sự kiện:
Để không lỡ chuyến tàu tài chính di động
12/02/2018 17:00:41
Thị trường tài chính di động luôn thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Sáng tạo thuộc về sứ mệnh của các DN, tạo lập hành lang pháp lý và môi trường cho sáng tạo đó phục vụ con người và xã hội đó là thiên chức của Nhà nước

Kỷ nguyên của tài chính di động?

Các ngân hàng giới thiệu về hoạt động số hóa của mình tại một hội thảo (Ảnh: Thuỳ Dung)

Kỷ nguyên số của nhân loại đang diễn ra một cách mạnh mẽ, hiện nay là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với những công nghệ đặc trưng như: Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, blockchain... Những thuật ngữ về kinh tế số, tài chính số, ngân hàng số hoặc công nghệ tài chính (FinTech) đã trở nên khá phổ biến trong giới kinh doanh, giới quản lý và người dân. Số hóa mọi giao dịch đã tạo ra bước đột phá của ngành dịch vụ tài chính trong thế kỷ 21, đó là... tài chính di động.

Tài chính di động đã mang lại một công thức hoàn toàn mới bởi hệ số khác biệt giữa ngân hàng truyền thống (in-branch banking) và ngân hàng di động (mobile banking) có thể lên tới 20 - 40 lần. Điều này có nghĩa là nếu khách hàng mất 2 đô la Mỹ khi giao dịch tại quầy, thì nay giao dịch qua Mobile banking họ có thể chỉ mất 0,1 đô la Mỹ, thậm chí ít hơn.

Các chuyên gia đã đưa ra nhận định: Tài chính di động cũng sẽ giống như Internet - mang đến cơ hội lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng số khổng lồ với chi phí thấp và nhanh chóng. Và có thể đây sẽ là lĩnh vực đầu tư tốt nhất trong tương lai.

Sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của công nghệ vào ngành dịch vụ tài chính đã ra đời các FinTech mà bản chất của nó là “phá vỡ” hay nói cách khác nó sáng tạo ra những đột phá về phát triển mô hình tổ chức của các định chế tài chính; cấu trúc lại ngành dịch vụ tài chính, làm giảm vai trò trung gian của các định chế tài chính truyền thống (các ngân hàng); mang đến nhiều kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính một cách đơn giản - chỉ cần cái chạm tay, nhấp chuột, hay một mã vạch là đã có thể thực hiện giao dịch; sản phẩm dịch vụ tài chính cũng được thiết kế trên nền tảng công nghệ một cách đơn giản hơn như gọi vốn (Crowfunding), cho vay ngang hàng, thanh toán di động, đầu tư, bảo hiểm... Tài chính di động sẽ nhanh chóng giúp hàng triệu người lần đầu tiên được tiếp cận dịch vụ tài chính như vừa đề cập với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mô hình tài chính truyền thống.

Chúng ta đang chứng kiến mức tăng trưởng siêu tốc của các FinTech dựa trên nền tảng kinh tế quy mô. Nếu các ngân hàng truyền thống phải mất 100 năm để có 100 triệu khách hàng thì giờ đây các FinTech chỉ cần vài năm đã có hàng trăm triệu khách hàng. Ví dụ, Citi bank phục vụ 200 triệu khách, được thành lập từ năm 1812. Các ngân hàng phát triển nhanh nhất thế giới, như Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), có 320 triệu khách hàng và ra đời 65 năm trước. Nhưng với công ty tài chính công nghệ, mà ấn tượng nhất là Zhong An (công ty bảo hiểm), công ty này đã có tới 500 triệu khách hàng trong năm năm. Yu’e Bao - một quỹ đầu tư thuộc tập đoàn bán lẻ Alibaba - chỉ trong 18 tháng đã thu hút 600 tỷ nhân dân tệ từ 185 triệu khách hàng...

Đặc biệt, sự xâm nhập của công nghệ vào ngành tài chính gắn liền thương mại điện tử bán lẻ xuyên biên giới đang làm mờ đi ranh giới về phân ngành giữa thương mại điện tử với dịch vụ tài chính điện tử mà ngay cả cơ quan quản lý cũng khó phân biệt ranh giới chuyên ngành đưa đến những hệ quả về quản lý.

Đang có sự cạnh tranh quyết liệt vào miếng bánh doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam (với mức tăng trưởng không ngừng từ 1% tổng mức bán lẻ lên 3% - tức khoảng năm tỉ đô la Mỹ và dự báo sẽ lên 8% trong 2 - 3 năm tới - nghĩa là khoảng 15 tỷ đô la Mỹ). Vấn đề là miếng bánh này sẽ thuộc về công ty thương mại điện tử trong nước hay các công ty nước ngoài, hay từ các FinTech nước ngoài khi hiện diện thương mại ở Việt Nam? Sự xuất hiện của tỉ phú Trung Quốc Jack Ma tại Việt Nam cùng với việc ký kết biên bản ghi nhớ với NAPAS - công ty chuyển mạch quốc gia - là lời cảnh báo đến các doanh nghiệp, ngân hàng Việt Nam. Hiện tại, theo Hiệp hội Thương mại điện tử, đã có khoảng hơn 30.000 doanh nghiệp bán hàng cho Amazon và một con số doanh nghiệp tương tự như vậy bán hàng cho Alibaba.

Việt Nam có số lượng thuê bao di động phát sinh lưu lượng ước đạt khoảng gần 130 triệu thuê bao(1), trong đó thuê bao 3G phát sinh lưu lượng đạt khoảng 41,8 triệu; tức là khoảng trên 1,4 thuê bao/người dân và khoảng 0,5 thuê bao sử dụng 3G/người dân. Thêm nữa, dân số Việt Nam đến cuối năm 2016 là trên 92,6 triệu người, trong đó trên 55%(2) dân số sử dụng điện thoại thông minh.

Nhóm khách hàng sử dụng điện thoại thông minh hiện nay hầu hết là những người trẻ, có kiến thức và ham trải nghiệm với sản phẩm dịch vụ tài chính mới. Đây là nền tảng từ phía cầu cho sự phát triển tài chính di động.

Chiếc bánh doanh thu lớn đang thách thức khả năng chiếm lĩnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam và khoảng 25 công ty FinTech đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cả về phương diện đầu tư tài chính cho hạ tầng số; về nhân lực; về khả năng quản trị với mô hình kinh doanh mới; về thiết kế sản phẩm và chính sách quy trình điện tử tạo sự thông dụng cho khách hàng. Cải cách để đột phá hay tụt hậu và lụi tàn là những cảnh báo không hề nhỏ với hệ thống ngân hàng và các FinTech Việt Nam.

Đương nhiên, khi sử dụng tài chính di động, khách hàng và cả bên cung cấp luôn đối diện với những rủi ro chính và phải đương đầu đối phó với chúng, như rủi ro hoạt động (hệ thống ngừng cung cấp do mạng tê liệt), rủi ro mất tiền (vì lộ mật khẩu); rủi ro vỡ nợ (do tiêu dùng quá khả năng); rủi ro thách thức cơ quan quản lý về kiểm soát hệ thống, kiểm soát kê khai thuế, kiểm soát hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố...

Để bắt kịp chuyến tàu...

Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1726/ QĐ-TTg, ngày 5/9/2016 có chỉ rõ “Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa và phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của người dân...”. Ở góc độ quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo FinTech và đang gấp rút nghiên cứu trình Chính phủ ban hành một hành lang pháp lý cho thử nghiệm hoạt động của FinTech và các dịch vụ ngân hàng số.

Nhưng để biến những định hướng chiến lược đó thành hiện thực thì yếu tố thể chế và con người vẫn mang tính tiên quyết.

Theo Thời báo kinh tế SG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến