Dòng sự kiện:
Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững
05/04/2018 08:00:10
Cơ sở hạ tầng (CSHT) đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đầu tư từ ngân sách công khó khăn, việc làm sao lựa chọn được những dự án hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa lớn, có khả năng kết nối liên hoàn và tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, đồng thời thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các đối tác phát triển vào lĩnh vực này là những yếu tố rất cần thiết, qua đó giúp cải thiện hơn nữa CSHT, tạo động lực cho sự phát triển.

Áp lực đầu tư lớn

Theo tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2018-2023 ước tính khoảng 1.015.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 48 tỷ USD). Trong đó khoảng hơn 300 nghìn tỷ (14 tỷ USD) được xác định sẽ huy động từ nguồn ngoài ngân sách trong nước và nước ngoài.

Việt Nam vẫn có nhu cầu rất lớn về phát triển hạ tầng

Còn theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án nguồn và lưới điện (không tính các nguồn được đầu tư theo hình thức BOT) từ 2016-2030 ước tính khoảng 3,2 triệu tỷ đồng (tương đương 148 tỷ USD), riêng giai đoạn 2016-2020 là 40 tỷ USD.

Với quan điểm “CSHT đi trước một bước”, trong những năm qua Chính phủ đã dành một mức đầu tư cao cho phát triển CSHT. Trung bình khoảng 9 – 10% GDP hàng năm đã được đầu tư vào ngành giao thông, năng lượng, viễn thông, nước và vệ sinh…

Tuy nhiên như trong lĩnh vực giao thông, hiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam đa số có quy mô nhỏ, chưa đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối liên hoàn cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông và an toàn giao thông còn hạn chế. So với một số nước tiên tiến trong khu vực, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam chỉ ở mức trung bình.

Đơn cử tính đến 2016, trên toàn quốc mới có 765 km đường bộ cao tốc đã hoàn thành và đi vào khai thác. Hệ thống đường sắt chủ yếu được xây dựng từ thời Pháp thuộc, rất lạc hậu và có thị phần vận tải thấp. Trong khi đó với hàng không, toàn quốc có 21 sân bay đang được khai thác (trong đó có 8 sân bay quốc tế) nhưng phần lớn các sân bay có quy mô nhỏ, chưa sân bay nào đạt tiêu chuẩn đầu mối khu vực.

Thu hút tư nhân và nước ngoài

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo kế hoạch, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc. Theo đó, từ nay đến 2020, sẽ hoàn thành thi công 654 km/khoảng 1.300 km đường cao tốc Bắc – Nam theo hình thức hợp tác công – tư (PPP), trong đó Nhà nước tham gia đóng góp khoảng 40% tổng mức đầu tư.

Phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm trên trục Bắc – Nam (QĐ 214/QĐ-TTg) đang được nghiên cứu nhằm cố gắng đưa hệ thống đường bộ, đường sắt Việt Nam đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và đường sắt xuyên Á.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tập trung phát triển hệ thống cảng biển đáp ứng tốt nhu cầu thông quan về hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa; nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành có vai trò và quy mô ngang tầm với các cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực; phát triển giao thông đô thị và tiếp tục đầu tư các tuyến đầu mối đô thị lớn như các tuyến vành đai 2, vành đai 3 Hà Nội và vành đai 2, vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tại phiên họp đối thoại chính sách cao cấp GMS trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 tại Hà Nội vừa qua, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã kêu gọi và chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các đối tác phát triển cùng trao đổi, chia sẻ cơ hội hợp tác đầu tư phát triển CSHT tại Việt Nam.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio nhận định, CSHT thiếu chất lượng sẽ không chỉ làm hạn chế phát triển bền vững mà còn có thể trở thành điểm nghẽn tăng trưởng. Ngược lại, CSHT chất lượng cao một mặt giúp đảm bảo hiệu quả kinh tế, sức bền trong suốt dòng đời của CSHT, mặt khác hỗ trợ tăng trưởng bền vững, giúp tạo ra việc làm, giảm thiểu những tác động tiêu cực về mặt xã hội và môi trường.

Với tư cách là đối tác của khu vực Mekong, Chính phủ Nhật Bản trong những năm qua đã có các sáng kiến và dự án về thúc đẩy CSHT chất lượng và cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các quốc gia sông Mekong, trong đó có Việt Nam trong thời gian tới.

Là một đối tác phát triển gắn bó với Việt Nam trong suốt những năm qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết Chiến lược Đối tác quốc gia (CPS) của họ cũng bám sát với Kế hoạch Phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020 của Việt Nam, trong đó tăng cường CSHT và cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế nằm trong số những ưu tiên mà ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện ADB đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ nhằm bảo đảm Việt Nam sẽ tận dụng tối ưu nguồn tài trợ ưu đãi trị giá 613 triệu USD của ADB mà Việt Nam vẫn có thể tiếp cận trong năm 2018, trước khi chấm dứt quyền tiếp cận nguồn tài trợ ưu đãi từ ngày 1/1/2019. Sau khi Việt Nam chuyển đổi sang các nguồn vốn dựa trên thị trường nhiều hơn, ADB vẫn có thể cung cấp ít nhất 1 tỷ USD mỗi năm trong năm 2019 và 2020 (thông qua các hoạt động do Chính phủ bảo lãnh).

ADB sẽ hỗ trợ các dự án nội vùng và trong các lĩnh vực giao thông đô thị, thoát nước và nước thải cũng như thích ứng biến đổi khí hậu đô thị. Đối tác này cũng cam kết mang lại giá trị gia tăng lớn hơn bằng cách tích cực lồng ghép đổi mới và công nghệ, tích hợp các mạng lưới đường sắt đô thị và xe buýt…

Bên cạnh đó, ADB sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ tư vấn giao dịch và hỗ trợ chuẩn bị các dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư trong những lĩnh vực như đường vành đai, đường cao tốc và chuyển đổi rác thành năng lượng.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến