Dòng sự kiện:
Để tiếp tục tăng huy động vốn qua TTCK
08/03/2018 15:00:42
Tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ hệ thống tài chính trong năm 2017 ước đạt 198% GDP, tăng 28,6% so với cuối năm 2016.

Với xu hướng tăng điểm của VN-Index như trong thời gian qua, việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán (TTCK) đang trở nên dễ dàng hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Với xu hướng tăng điểm của VN-Index như trong thời gian qua, việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán đang trở nên dễ dàng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Ảnh: THÀNH HOA

Huy động vốn qua kênh chứng khoán tăng mạnh

Theo cập nhật của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), đến cuối năm 2017,  tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ hệ thống tài chính (bao gồm hệ thống ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và công ty bảo hiểm) ước đạt 198% GDP, tăng 28,6% so với cuối năm 2016. Trong đó, vốn huy động từ TTCK đạt gần 245.000 tỉ đồng (bao gồm đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt hơn 194.300 tỉ đồng, phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gần 47.900 tỉ đồng, đấu giá cổ phần hóa đạt 2.700 tỉ đồng), tăng 66,4% so với cuối năm 2016. Mặc dù xét về giá trị tuyệt đối, nguồn vốn huy động qua kênh chứng khoán còn rất khiêm tốn so với nguồn vốn được cung cấp bởi hệ thống tổ chức tín dụng (245.000 tỉ đồng so với 6,5 triệu tỉ đồng), nhưng xét về giá trị tương đối thì tốc độ tăng của việc huy động vốn qua TTCK vượt trội hơn khá nhiều (66% so với 18%). Nhìn trong giai đoạn dài, tín hiệu còn tích cực hơn nhiều khi vai trò huy động và tài trợ vốn cho nền kinh tế đang vận động theo hướng giảm bớt phụ thuộc vào hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), tăng vai trò của thị trường vốn trong huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Theo đó, tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường vốn tăng từ 21,6% năm 2012 lên 35,4% năm 2017, trong khi với hệ thống TCTD, con số này giảm từ 78,4% xuống 64,6%. Trong giai đoạn 2012-2017, cung ứng vốn từ TTCK tăng bình quân khoảng 33,4%/năm, gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng cung ứng vốn từ hệ thống TCTD (16,6%/năm).

Làm gì để tiếp tục cải thiện?

Với bối cảnh kinh tế vĩ mô, cũng như quá trình tái cơ cấu thị trường tiền tệ, thị trường vốn đang được thúc đẩy, UBGSTCQG dự báo: cung ứng vốn của hệ thống tài chính cho nền kinh tế vào cuối năm 2018 ước tăng trưởng khoảng 19,3% so với cuối năm 2017. Trong đó, cung ứng vốn từ thị trường vốn tiếp tục tăng trưởng cao, ước tăng 22,5%, còn cung ứng vốn từ hệ thống TCTD ước tăng 17,5%. Xét trong bối cảnh TTCK đang có những diễn biến rất thuận lợi như hiện nay (cả kênh cổ phiếu và trái phiếu) thì khả năng tăng trưởng 22,5% của việc huy động vốn qua kênh này trong năm 2018 nhiều khả năng sẽ sớm đạt được, thậm chí trong kịch bản lạc quan còn có thể ở mức cao hơn nhiều (30-40%).

Tuy nhiên, để quá trình cung ứng vốn từ TTCK cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững, một thực trạng đang cần Chính phủ, đặc biệt là ngành ngân hàng và tài chính, trong quá trình tái cơ cấu thị trường tiền tệ, thị trường vốn cũng như hoạch định chiến lược mới, có giải pháp khắc phục. Đó là tỷ trọng tài sản của hệ thống tổ chức tài chính còn quá khiêm tốn so với hệ thống TCTD. Theo UBGSTCQG, tổng tài sản của các định chế tài chính hiện ước đạt 200% GDP. Trong số này, tỷ trọng tài sản của các TCTD chiếm tới 95,9%, trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chiếm 3%, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 1,1%.

Ở góc độ chi tiết hơn vẫn là câu chuyện minh bạch hóa thông tin và hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng khuyến khích dòng vốn chảy vào TTCK. Đơn cử như kênh trái phiếu, một loạt điều kiện tối thiểu cho một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đến nay vẫn chưa được định hình, như: thị trường chưa có công ty định mức tín nhiệm, chưa có cơ chế để trái phiếu sau khi phát hành được lưu ký, giao dịch tập trung; hệ thống dữ liệu và minh bạch thông tin về thị trường chưa hoàn chỉnh. Minh bạch ở đây không chỉ là công khai thông tin về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp phát hành, về khả năng trả nợ của họ, mà cần minh bạch cả về thông tin giá cả trái phiếu.

Một trong những giải pháp quan trọng là phải đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư cũng như nhà phát hành. Gắn liền với đó là phải đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Ngoài các sản phẩm trái phiếu truyền thống có lãi suất cố định hay thả nổi, cần mở đường cho việc phát hành các loại trái phiếu mới theo thông lệ quốc tế, đáp ứng mong đợi của thị trường như trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát, các sản phẩm phái sinh trái phiếu để phòng ngừa rủi ro... Hiện các thành viên thị trường đang hy vọng việc sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ sớm khắc phục những hạn chế trên.

Đối với kênh cổ phiếu, với xu hướng tăng điểm của VN-Index trong thời gian qua, việc huy động vốn qua kênh này đang trở nên dễ dàng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Nhìn lại những năm gần đây, để huy động được vốn qua TTCK, không ít doanh nghiệp đã thực hiện các chiêu trò, sử dụng các biện pháp đẩy, đỡ giá cổ phiếu trước thời điểm gọi vốn. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã không còn dễ dàng đặt niềm tin vào đà tăng giá trong ngắn hạn. Bài học từ quá khứ với những câu chuyện vốn doanh nghiệp huy động bị sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, cổ phiếu bị pha loãng, mất giá trị như KTB, AVF, KSA... đã khiến thị trường cảnh giác hơn rất nhiều. Vì thế, mọi kế hoạch tăng vốn cần phải chứng minh được sự minh bạch cũng như sự cần thiết và hiệu quả thực sự của việc tăng vốn.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến