Dòng sự kiện:
Đề xuất tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh xử lý nợ xấu
13/06/2018 06:00:34
Dự kiến đến hết quý III/2018, VAMC có thể xử lý về cơ bản các khoản nợ đã mua theo giá trị thị trường.


Tính đến tháng 4/2018, tổng nợ xấu VAMC đã mua thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt đạt gần 278.000 tỷ đồng

Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước

Xử lý nợ xấu luôn được xác định là yêu cầu cấp bách nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động hệ thống ngân hàng, góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Do đó hoạt động xử lý nợ xấu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ.

Theo đó, Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 15/8/2017 đã trở thành văn bản pháp lý quan trọng thể hiện chủ trương đúng đắn, kịp thời của Quốc hội nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Việc triển khai tốt Nghị quyết 42 trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi nhằm xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD).

Với những thuận lợi có được sau khi hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu được bổ sung và hoàn thiện, sau 5 năm hoạt động kể từ khi thành lập, hoạt động của VAMC đã thu được những kết quả tích cực.

Tính đến tháng 4/2018, tổng nợ xấu VAMC đã mua thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt đạt gần 278.000 tỷ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường đạt hơn 3.000 tỷ đồng theo giá mua nợ, xử lý, thu hồi nợ được hơn 86.000 tỷ đồng từ các khoản nợ xấu đã mua. Nợ xấu xử lý qua VAMC (bán qua VAMC) ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý, góp phần đáng kể trong việc đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về mức dưới 3%, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD, hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ được Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước giao.

Nghị quyết 42 tuy chưa được Quốc hội ban hành như một bộ luật riêng về xử lý nợ xấu, nhưng là văn bản pháp luật cao nhất từ trước đến nay đối với hệ thống TCTD chỉ sau Luật Các TCTD. Theo đó, quyền của chủ nợ được khẳng định và bảo vệ thông qua các quy định rõ ràng về quyền thu giữ tài sản của các TCTD, VAMC; quyền ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, VAMC khi xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng, bên bảo đảm để thu hồi nợ.

Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng mua, bán nợ theo giá trị thị trường, nhận thế chấp bổ sung tài sản bảo đảm… cũng tạo tiền đề cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực và hiệu quả. Như vậy, hành lang pháp lý đối với hoạt động xử lý nợ xấu đã được hoàn thiện sau thời gian dài ngành ngân hàng phải đối diện với khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42, ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 42 với lộ trình thực hiện cụ thể bảo đảm tính khả thi, kịp thời.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 quy định cụ thể các biện pháp, trách nhiệm mà Ngân hàng Nhà nước và các TCTD, VAMC cần thực hiện để bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2013/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC nhằm phù hợp với Nghị quyết 42.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các TCTD phối hợp chặt chẽ với VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ đã bán cho VAMC; tích cực tìm kiếm các đối tác mua nợ đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán nợ; tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định.

Nhằm nâng cao năng lực của VAMC, đồng thời đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, cuối năm 2017, Ngân hàng Nhà nước cấp đủ vốn điều lệ cho VAMC theo Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31/3/2015. Tiếp theo đó, ngay từ những ngày đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 28/QĐ-NHNN ngày 05/01/2018 phê duyệt Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 - 2020 và hướng tới 2022.
Nỗ lực triển khai Nghị quyết 42

Cùng với các TCTD, VAMC là một trong những đơn vị đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 42 để tạo sức lan tỏa tích cực đối với các TCTD. Ngay sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

Đây là khoản nợ lớn nhất VAMC đã mua từ các TCTD, vì vậy việc VAMC thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm sẽ góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42, đồng thời mang tính cảnh báo đến các khách hàng có nợ xấu nhằm nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng cho VAMC cũng như TCTD.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 42 của Quốc hội, Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính Phủ và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và các văn bản pháp luật được ban hành, VAMC nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy trình nội bộ liên quan đến hoạt động mua, bán và xử lý nợ nhằm phù hợp với Nghị quyết 42; Thông tư số 09/2017/TT-NHNN; Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật mới được ban hành.

Song song với việc hoàn thiện quy định nội bộ điều chỉnh hoạt động xử lý nợ, VAMC đã ký Thỏa thuận hợp tác và chủ động phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với 6 TCTD được Ngân hàng Nhà nước chọn làm điểm triển khai thực hiện Nghị quyết 42, trong đó có BIDV, Sacombank và Agribank.

Với những thay đổi về mặt chính sách, cơ chế và bổ sung nguồn lực về vốn cho VAMC, Công ty đã bước đầu triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Trong đó, năm 2017 là năm đầu tiên VAMC đạt được kết quả khả quan trong hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường với tổng giá trị khoản nợ mua thị trường đạt hơn 3.000 tỷ đồng (theo giá mua nợ).

Sau khi mua nợ, VAMC đã nỗ lực triển khai xử lý, đôn đốc khách hàng trả nợ, áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp, kể cả biện pháp mạnh như thu giữ tài sản bảo đảm, nhằm thu hồi trong thời gian sớm nhất các khoản nợ đã mua. Theo đó, dự kiến đến hết quý III/2018, VAMC có thể xử lý về cơ bản các khoản nợ đã mua theo giá trị thị trường.

Cùng với kết quả mua nợ thị trường, việc áp dụng các biện pháp mạnh trong hoạt động xử lý nợ, kết quả thu hồi sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 42 cũng có sự chuyển biến tích cực. Theo đó, lũy kế từ khi thành lập đến tháng 4/2018, VAMC đã thu hồi được hơn 86.000 tỷ đồng từ các khoản nợ xấu đã mua, trong đó, riêng năm 2017, số thu hồi nợ của VAMC đạt gần 31.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch thu hồi nợ được Ngân hàng Nhà nước giao.

Đề xuất của VAMC

Về cơ bản, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu thời gian qua.

Tuy nhiên, để đồng hành cùng sự phát triển của hệ thống ngân hàng, với vai trò là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD, đồng thời, hướng tới vai trò trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ, VAMC đề xuất Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành có liên quan tăng cường nguồn lực cho VAMC về cả vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, khoản nợ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ của VAMC cũng như các TCTD.

Một số đề xuất, kiến nghị cụ thể như sau:

Thứ nhất, Nghị quyết 42 đã trao cho TCTD và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm, tuy nhiên, điều kiện lớn nhất để TCTD, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm là tại Hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Thực tế, phần lớn Hợp đồng bảo đảm đã ký trước ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực (1/1/2017), giữa TCTD và khách hàng đều không có thỏa thuận cụ thể về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, mà chỉ quy định chung chung như: “Bên nhận thế chấp được xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật…” hoặc “Bên nhận thế chấp được toàn quyền bán tài sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay…”.

Vì vậy, VAMC đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với Hợp đồng bảo đảm chỉ có nội dung thỏa thuận như trên.

Thứ hai, để đạt hiệu quả tối ưu trong hoạt động xử lý nợ, các quy định tại Nghị quyết 42 và các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng như quá trình thực thi của các cơ quan, bộ ngành liên quan cần có sự đồng bộ, nhất quán, kịp thời.

Thứ ba, quy định về quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 42, tuy nhiên, tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 hướng dẫn Điều 9 của Nghị quyết 42 mới chỉ hướng dẫn việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho tổ chức mua bán nợ (tức VAMC), chưa có hướng dẫn đối với việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với các cá nhân, tổ chức mua lại khoản nợ từ VAMC.

Thứ tư, Nghị quyết 42 quy định cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tại liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao đối với nội dung này.

Thứ năm, để phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam cũng như phát huy được vai trò của VAMC trở thành trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ, VAMC phải có đủ nguồn lực về vốn, công nghệ. Vì vậy, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành có liên quan xem xét cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho VAMC theo phê duyệt của Thủ tướng Chính Phủ tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg.

Thứ sáu, nhằm rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý nợ, VAMC đề nghị sớm thành lập Tổ công tác liên ngành về xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg.

Theo Tin nhanh chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến