Dòng sự kiện:
Đến thời ngân hàng ‘đốt đuốc’ tìm khách hàng
06/12/2018 09:01:02
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 7/2018, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế là trên 6,84 triệu tỷ đồng, tương đương với khoảng 137% GDP theo giá hiện hành năm 2017.

Tương quan trên cho thấy nhu cầu vốn để phát triển, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng, tại Việt Nam là rất lớn. Nhưng đáng chú ý hơn, dư nợ tín dụng liên tục tăng trong giai đoạn vừa qua cũng cho thấy nỗ lực cho vay của các tổ chức tín dụng.

“Đốt đuốc” tìm khách vay

Theo nhiều chuyên gia, sức ép phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam, vốn đa số các tổ chức tín dụng còn ở dạng quy mô nhỏ, trong bối cảnh hội nhập khiến các chỉ tiêu về an toàn nguồn vốn, khiến ngân hàng đứng trước hai yêu cầu quan trọng, tăng huy động/cho vay và nâng cao chất lượng tín dụng. Nói cách khác, đã đến thời các ngân hàng “đốt đuốc” đi tìm khách hàng vay tốt.

GS-TS. Vũ Kim Dũng, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: Hiện nay, hệ thống giao dịch của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng có mạng lưới khá rộng khắp, thủ tục vay cũng đã thông thoáng, đơn giản hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân, gia tăng doanh số.

Tuy nhiên trong hoạt động cho vay, các tổ chức tín dụng vẫn có những nguyên tắc của họ, quy trình xét duyệt các món vay dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các điều kiện: khách hàng cần có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền vay minh bạch và đặc biệt là có khả năng trả nợ.

Theo GS. Dũng, việc tuân thủ các nguyên tắc cho vay là sự sống còn của các tổ chức tín dụng. Bởi thực chất, họ cũng là những doanh nghiệp kinh doanh, chỉ có điều mặt hàng kinh doanh của họ là đặc thù - tiền. Họ luôn phải kiểm soát được dòng tiền chặt chẽ, phòng ngừa được rủi ro tín dụng, có như vậy mới tồn tại và phát triển được.

Với nhìn nhận trên thì nhìn từ góc độ thị trường, các tổ chức tín dụng cũng cần tìm đến khách hàng và coi khách hàng là “thượng đế” như những doanh nghiệp khác.

Đánh giá về mối quan hệ giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng hiện nay, ông Lê Xuân Long, Giám đốc Agribank Chi nhánh Đông Quảng Ninh chia sẻ: Ngày này ngân hàng chúng tôi phải tìm đến những khách hàng tốt để chào mời các dịch vụ, các gói tín dụng. Đã hết cái thời khách hàng tìm đến cầu cạnh để vay tiền ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng cần phải chăm sóc các khách hàng của mình tốt hơn nữa mới mong nhận được lợi nhuận từ họ và doanh nghiệp của họ.

Với kinh nghiệm của một cán bộ ngân hàng đã có trên 30 năm kinh nghiệm, Giám đốc Long chia sẻ: Cán bộ tín dụng giỏi là cán bộ có trách nhiệm với đồng tiền cho vay của minh. Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc của Ngành, họ phải thực sự hiểu được khách hàng, hiểu được dòng vốn của mình có được sử dụng đúng mục đích hay không. Sự tư vấn của cán bộ tín dụng cũng hết sức quan trọng trong việc giúp khách hàng sử dụng đồng vốn vay hiệu quả.

Trên thực tế đã có những doanh nghiệp, khách hàng nhờ sự cung cấp tín dụng và nhất là sự tư vấn của cán bộ tín dụng mà thoát khỏi cảnh thua lỗ, nợ nần và phát triển tốt.

Và nghịch lý tín dụng đen

Cùng với hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng, hiện thị trường tài chính Việt Nam còn có các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô hoạt động, đáp ứng nhu cầu vay vốn của tổ chức, cá nhân. Mỗi loại hình có một sân chơi riêng, phạm vi hoạt động, địa bàn hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hoạt động trái pháp luật là tín dụng đen.

Công an tỉnh Thanh Hóa mới đây đã được Bộ Công an khen thưởng vì phá chuyên án băng nhóm tội phạm tín dụng đen nguy hiểm là Tập đoàn Nam Long, có phạm vi hoạt động ở 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Mức lãi suất mà Tập đoàn này cho vay có thể lên đến 1.043%/năm. Sau khi người dân vay tiền, các đối tượng đưa ra nhiều khoản thu ngoài hợp đồng và sẵn sàng thực hiện biện pháp mạnh để đòi nợ vay. Theo ghi nhận đã có khoảng 200 bị hại chuyển tiền cho các đối tượng này với trị giá trên 500 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, những người đi vay tín dụng đen thường là không có công việc, thu nhập không ổn định; phát sinh nhu cầu vay thậm chí liên quan hành vi không lành mạnh như chơi cờ bạc chẳng hạn, hay doanh nghiệp bức bách nợ nần cần trả gấp để tiếp tục hoạt động… Từ đó dẫn đến việc không nhận thức đầy đủ được hệ quả khốc liệt của việc vay tín dụng đen.

Chính vì vậy, để hạn chế và đẩy lùi tội phạm liên quan cho vay nặng lãi, tín dụng đen, một mặt cần sự hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, mặt khác cần giáo dục tài chính, nâng cao hiểu biết của người dân về các dịch vụ tín dụng chính thức.

Với người dân và doanh nghiệp thì cần luôn luôn nâng cao ý thức trả nợ có trách nhiệm với đồng vốn vay của mình. Có như vậy mới đủ điều kiện để tiếp cận kênh tín dụng chính thức, vốn dĩ đang “đốt đuốc” đi tìm khách hàng tốt.

Theo Thời báo ngân hàng
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến