Dòng sự kiện:
Điều chỉnh để tiếp tục tăng trưởng dài hạn?
16/12/2017 14:27:11
Sự biến động quá lớn trong ngày 12/12 và chỉ số đã giảm điểm phiên thứ 5 liên tiếp bắt đầu dấy lên nghi ngờ về sự điều chỉnh có thể còn kéo dài của VN-Index.

Hầu hết cổ phiếu ngân hàng rơi xuống giá sàn, VN-Index chạm 897 điểm, mất 7,53% so với mức đỉnh đạt được vào đầu tháng 12/2017 chỉ bởi một tin đồn vô cớ lan truyền trên thị trường. Tâm lý nhà đầu tư tưởng chừng vỡ vụn, nhưng đã phục hồi rất nhanh và chỉ số quay lại sắc xanh nhờ thông tin và sự giao dịch tích cực của SAB. Tuy nhiên Sự biến động quá lớn trong ngày 12/12 và chỉ số đã giảm điểm phiên thứ 5 liên tiếp bắt đầu dấy lên nghi ngờ về sự điều chỉnh có thể còn kéo dài của VN-Index.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa (Ảnh: Thành Hoa)

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) trong bản tin gửi cho khách hàng cùng ngày lý giải sự đi xuống vừa qua của thị trường bằng một số nguyên nhân: khối ngoại bán ròng 1.150 tỉ đồng tuần trước sau thời gian dài mua ròng (trên thị trường trái phiếu chính phủ nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng hai tháng liên tiếp là tháng 10 và 11/2017); giao dịch ký quỹ (margin) ở một vài công ty môi giới có dấu hiệu căng thẳng khi nhu cầu đầu tư tăng cao; tâm lý thị trường chững lại do đấu giá bán cổ phần nhà nước ở VCG không thành công; thông tin khởi tố, bắt tạm giam cựu lãnh đạo PetroVietnam và tin đồn khác.

Trong diễn biến thị trường, nên lưu ý một chi tiết: các sự kiện thời sự đều ít nhiều có liên quan đến lĩnh vực dầu khí, tuy vậy cổ phiếu dầu khí đã phản ứng tốt hơn mong đợi của các chủ thể cả tổ chức lẫn cá nhân. Cổ phiếu ngân hàng có thể “nhạy cảm” hơn do thanh khoản giao dịch cao, vai trò dẫn dắt thị trường và tỷ lệ hỗ trợ margin của các nhà môi giới lớn. Ngoài ra cổ phiếu ngân hàng nói chung đang trong chu kỳ phục hồi dài hạn tính bằng năm.

Bộ phận nghiên cứu của BSC tính toán, kể cả trên phương diện phân tích kỹ thuật, VN-Index đã vào vùng giảm điểm ngắn hạn và có thể thị trường cần thêm 3-10 phiên tích lũy trước khi tăng trưởng trở lại. Nhìn lại quá khứ, BSC nhận xét các đợt giảm điểm từ năm 2014 trở lại đây thường kéo dài bình quân 17 phiên/đợt, chỉ số mất tầm 10%/đợt. Song cũng có đợt, số lượng phiên điều chỉnh lên tới gần 30, tức khoảng sáu tuần. Trong trường hợp lần này thị trường điều chỉnh mạnh và nhanh, thời gian điều chỉnh có thể rút ngắn bớt. Tâm lý nhà đầu tư lúc này còn mong manh, “nhưng thị trường vẫn có niềm tin các vụ án chống tham nhũng, kể cả bắt tạm giam được xử lý nhanh gọn, để không ảnh hưởng đến vĩ mô là việc thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa. Hơn nữa, thị trường đã tăng “sốc” trong tháng 11/2017 và việc điều chỉnh sẽ giúp sự tăng trưởng dài hạn bền vững”, theo BSC.

Trước mắt tâm điểm thị trường vẫn là đợt đấu giá công khai cổ phiếu SAB. Diễn biến đấu giá SAB có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì sau đó, vào cuối tháng 12 và tháng 1 năm sau, hàng loạt doanh nghiệp lớn sẽ bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến IPO bán 7,8% cổ phần ra bên ngoài vào ngày 17/1/2018 với giá khởi điểm 14.400 đồng/cổ phiếu, sau đó sẽ bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Tập đoàn Dầu khí còn sở hữu 43%. Với vốn điều lệ 31.000 tỉ đồng, IPO Bình Sơn sẽ hút của thị trường một lượng tiền không nhỏ. Kế đó Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) sẽ chào bán ra công chúng 20% cổ phần vào cuối tháng 1-2018, bán 44,7% cho nhà đầu tư chiến lược, giá khởi điểm 13.400 đồng/cổ phiếu. Một doanh nghiệp to khác là Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) sẽ IPO ngày 22-1-2018. Tính theo giá khởi điểm 14.400 đồng, giá trị vốn hóa của PV Power khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ. Những doanh nghiệp tỉ đô hứa hẹn lên sàn ngay sau khi IPO nhanh nhất có thể.

Vậy câu chuyện của thị trường hiện nay là gì? Nguồn cung hàng hóa đang xếp hàng để chờ nhà đầu tư. Các tổ chức, đặc biệt nước ngoài liệu có tham gia và tham gia ở mức độ nào? Những “ông lớn” dầu khí không phải kinh doanh không hiệu quả, nhưng sức hấp dẫn của họ không thể nào sánh được với Sabeco hay Vinamilk. Nước ngoài đã bỏ qua đợt thoái vốn nhà nước ở VCG là một thí dụ. Trong khi đó trên sàn còn nhiều cổ phiếu MidCap và SmallCap chưa tăng giá.

Để thoái được vốn nhà nước với giá tốt, cổ phần hóa tăng tốc, chứng khoán phải tăng trưởng. Thị trường không thể tăng chỉ bằng lời nói, khi chứng khoán vẫn chưa phải là kênh đầu tư thiết yếu của người dân. Khoảng 2 triệu tài khoản chứng khoán được mở so với 90 triệu dân là quá ít ỏi, có thể nói là tỷ lệ gần thấp nhất khu vực. Thị trường cần cải cách mà trước hết là sửa đổi Luật Chứng khoán. Hiện tại là thời điểm thích hợp để ban hành những quy định pháp lý mới khuyến khích người dân tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến