Dòng sự kiện:
Điều hành thận trọng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý
10/06/2018 07:09:28
Đó là một trong những nội dung Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương lưu ý trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, vừa được Chính phủ ban hành.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện đồng bộ, có kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 19-2018/NQ-CP, 35/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; quyết tâm hành động, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công việc, chú trọng khắc phục tồn tại, yếu kém; kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Chính phủ chỉ đạo không tăng giá điện trong năm 2018

Trong đó, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các bộ, cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động theo dõi sát thay đổi chính sách của các đối tác lớn, các nước trong khu vực, diễn biến tình hình khu vực và quốc tế, nhận diện rõ thời cơ, thách thức để có đối sách, giải pháp phù hợp, không để bị động, bất ngờ và tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.

Cụ thể, Nghị quyết Chính phủ nêu rõ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành cập nhật kịch bản tăng trưởng quý theo từng ngành, lĩnh vực; đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát đã đề ra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2018.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tiếp tục thông báo số vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2017 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2018; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn được giao bổ sung từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương trong năm 2017 sang năm 2018.

Cũng theo Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bám sát kịch bản tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương đã đề ra, đánh giá tình hình thực hiện và kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm, chủ động giải pháp chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2018. Tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Kiểm soát, ngăn chặn tín dụng đen, cho vay nặng lãi

Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt; thực hiện các giải pháp bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi. Thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương kiểm soát, ngăn chặn tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa kết hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là chi mua sắm, hội họp. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý chặt chẽ kê khai và hoàn thuế; chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại. Có giải pháp tổng thể phát triển ổn định thị trường chứng khoán, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp biên giới thực hiện quyết liệt các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Các bộ, cơ quan quản lý giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ các công cụ, giải pháp phù hợp, điều hành thận trọng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý; không tăng giá điện trong năm 2018; xem xét thời điểm, mức độ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục phù hợp, bảo đảm kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung hoàn thiện các dự án luật theo phân công, trình Chính phủ đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Rà soát, đánh giá tình hình triển khai Đề án cơ cấu lại tổng thể ngành giao thông vận tải và các đề án cơ cấu lại các lĩnh vực, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; dự án cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

"Ngoài ra, rà soát, tổ chức, sắp xếp lại, hiện đại hóa hệ thống gác chắn đường ngang với đường sắt; phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm các điểm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nhất là tại các nút giao cắt giữa đường sắt và đường ngang dân sinh. Phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm soát xe quá khổ, quá tải, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí BOT, nhất là tại các trạm BOT đã được quyết toán." - Nghị quyết Chính phủ yêu cầu.

Theo Thời báo Ngân hàng

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến