Dòng sự kiện:
Đìu hiu Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo
21/05/2017 09:10:25
Khác hẳn với trung tâm kinh tế, là nơi giao thương hàng hóa tập nập của huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, vùng đất được biết đến với những “đám cưới siêu xe”, những “đại gia” gỗ trắc... thì thời điểm này chưa bao giờ KKT Cầu Treo lại đìu hiu đến vậy.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được thành lập với mục đích đẩy mạnh thông thương, phát triển kinh tế giữa Việt Nam với Lào, Thái Lan. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có 4 đơn vị hành chính là các xã: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn.

Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh (cơ sở KKT Cầu Treo)

Theo ghi nhận hệ thống đường giao thông Quốc lộ 8A - tuyến đường huyết mạch dẫn lên cửa khẩu Cầu Treo hiện đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Việc này, không những ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông, đi lại mà còn gây hạn chế trong việc giao thương hàng hóa, xúc tiến du lịch, đầu tư với các nước bạn Lào, Thái Lan thông qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và kinh tế của vùng.

 Quốc lộ 8A xuống cấp nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông, đi lại và phát triển kinh tế của vùng.

KKT Cầu Treo từng được biết đến là một trung tâm kinh tế với hoạt động giao thương hàng hóa tập nập của huyện Hương Sơn. Vùng đất này nổi lên với những “đám cưới siêu xe”, những “đại gia” gỗ trắc... "Lừng lẫy" một thời là thế, nhưng thời điểm này chưa bao giờ KKT Cầu Treo lại đìu hiu đến vậy.

Đường sá vắng tanh, hàng quán... đìu hiu, vắng khách, chợ búa cũng không còn tấp nập, sôi động... Đặc biệt, bức tranh về nền kinh tế KKT Cầu Treo thể hiện rõ nét ở các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Thời điểm cao nhất, KKT này có đến trên 200 doanh nghiệp nhưng nay chỉ còn 130 doanh nghiệp. Tỷ lệ hoạt động hiệu quả trong số đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thị trấn Tây Sơn - nơi vốn được coi là “trái tim KKT”, hầu hết các doanh nghiệp cũng chỉ tồn tại một cách... “dặt dẹo”.

Theo ông Nguyễn Kim Hảo, Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn: “Trước đây, địa phương có khỏang 180 doanh nghiệp và hộ kinh doanh liên quan đến xuất khẩu nhưng giờ chỉ còn 23 doanh nghiệp. 

Hiện nay, hoạt động buôn bán qua cửa khẩu giảm, khách qua lại theo đó cũng giảm mạnh. Thậm chí, một số người trước đây đi buôn hàng Thái Lan, hàng Lào, nay cũng đã "giải nghệ”.

Cổng vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vắng người và xe qua lại, trao đổi hàng hóa.

Ông Phan Tiến Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết: “Địa phương có khoảng 40 doanh nghiệp thì đã có 2 doanh nghiệp tạm dừng và chỉ có khoảng 6 doanh nghiệp là hoạt động bình thường. Đặc biệt, doanh nghiệp đang nợ ngân hàng với số lớn. Từ khi bỏ phí thuế quan không được miễn thuế, người dân kinh doanh, buôn bán đã gặp rất nhiều khó khăn”.

Cũng theo báo cáo của ngành chức năng, trên địa bàn KKT hiện có hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể nhưng trên thực tế, hầu hết hộ kinh doanh chỉ hoạt động hết sức nhỏ lẻ, không đáng kể. Hiện nay, hàng điện lạnh, điện tử, mỹ phẩm... liên doanh trong nước chất lượng tốt và gần như đã bão hòa nên các hộ kinh doanh mặt hàng này cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, vì không còn được miễn thuế như trước, hàng nhập về phải chịu thuế cao hơn khiến người kinh doanh đã khó lại càng khó thêm.

Một thực tế buồn nữa ở KKT Cầu Treo trong vài năm lại đây là nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình “bể nợ” nặng vì buôn bán gỗ.

Khi nước bạn Lào thực hiện chính sách đóng cửa rừng, nhiều doanh nghiệp đã mắc kẹt gỗ phía bên kia không nhập về được. Một số khác trước thu gom gỗ trắc buôn bán nhưng sau đó loại gỗ này “rớt” giá thê thảm. Hàng chục gia đình đã bị phát mại tài sản, đất đai, nhà cửa do vay tiền ngân hàng buôn gỗ, bị “bể nợ”.

Hiện nhiều doanh nghiệp, tư nhân trên địa bàn đang phải “gửi” nhà cho ngân hàng để đứng ra làm các thủ tục hồ sơ pháp lý bán nhà.

Trên địa bàn thị trấn Tây Sơn có khoảng 5 chi nhánh ngân hàng hoạt động cho vay và huy động vốn. Tuy nhiên, những năm gần đây, hầu hết dư nợ và nguồn vốn ở các ngân hàng đều giảm.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Sơn: “Từ năm 2017, dư nợ và nguồn vốn giảm. Hiện nguồn vốn của đơn vị khoảng 450 tỷ, dư nợ 670 tỷ. Trong những năm gần đây, do tình hình kinh tế khó khăn, một số khách hàng đã không có khả năng trả nợ. Năm 2016, ngân hàng đã đứng ra làm trung gian, làm các thủ tục, hồ sơ pháp lý để bán tài sản nhà đất cho 2 trường hợp. Năm 2017, ngân hàng cũng đang hoàn tất các hồ sơ liên quan để tiến hành bán nhà cho 1 số trường hợp tương tự".

Chợ Thị trấn Tây Sơn trước đây cũng từng được xem là trung tâm thương mại, nơi giao thương hàng hóa và nơi mua sắm không chỉ người dân địa phương mà còn du khách nước ngoài.

Khác hẳn những năm trước đây, tại các sạp hàng của tư thương, những mặt hàng Lào, Thái rất được người dân ưa chuộng được bày chật kín thì hiện nay với sức mua èo uột, các tư thương ở đây chỉ còn bày bán một số sản phẩm thông dụng, cần thiết.

Với tình hình đó, hiện tại đình chợ có khoảng 10 ki ốt kinh doanh của tư thương đã đóng cửa, không còn hoạt động buôn bán. Thực tế, một viễn cảnh đối nghịch, trớ trêu tại chợ khu kinh tế đó là, thay bằng những mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Lào về như trước đây thì hiện nay, hàng hóa lại được đưa từ TP Vinh, Nghệ An lên để buôn bán, tiêu thụ.

Theo một số liệu thống kê tháng 4/2017, tình hình, hàng hóa xuất nhập khẩu thông thương qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đã giảm xuống so với tháng trước. Cụ thể, thu ngân sách tháng 4/2017 đạt 5,4 tỷ đồng, giảm 14,41% so với tháng trước, trong đó, cổng A: 5,4 tỷ đồng, còn cổng B: 0 đồng.

Các mặt hàng xuất, nhập khẩu cũng giảm rõ rệt như phân bón các loại, gỗ, sắn... Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch thực vật thu 52,4 triệu đồng, giảm 10,82% so với tháng trước. Công tác kiểm dịch động vật không có phát sinh.

Thực trạng hệ thống đường giao thông xuống cấp, các chính sách ưu đãi thuế không còn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là việc thu hút đầu tư các dự án của doanh nghiệp vào KKT. 

Cái "chết" của KKT Cửa khẩu Cầu Treo có cả yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Ngoài sự "bão hoà" của thị trường lẫn cơ chế ưu đãi bị thắt chặt, còn có sự bàng quan, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan chức năng.

Đường sá xuống cấp, thủ tục rườm rà, rào trạm phân bổ thiếu hợp lý, nhiều đối tượng tham gia kiểm tra, kiểm soát đã khiến cho khách hàng bỏ cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, chuyển hướng thông quan qua các cửa khẩu khác...

Chúng tôi sẽ tiếp tục đi sâu, phân tích về những tồn tại này trong các bài viết sau.

Ngọc Tuấn – Quốc Hoàn

(Còn nữa)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến